Trong văn bản trả lời, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, pháp luật đất đai không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được nhận chuyển nhượng, quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thì sẽ được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất và phải đáp ứng các điều kiện quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 58 của Luật Đất đai. Theo đó, đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan. Trình tự, thủ tục lấy ý kiến đã được quy định cụ thể tại Điều 13 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Trường hợp người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai. Pháp luật đất đai hiện hành đã quy định chặt chẽ việc người nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trường hợp được tặng cho để thừa kế mà không thuộc đối tượng sở hữu nhà tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không được cấp Giấy chứng nhận, nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai.
Về tình trạng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) mua đất sinh sống ven biển tại địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có những khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo và cử các đoàn công tác… kiểm tra thực tế tại địa phương theo chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương; đã báo cáo Ban Kinh tế Trung ương và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Để cử tri Đắk Lắk yên tâm về chủ trương cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất, thuê rừng thời gian vừa qua (nhất là các dự án có thời gian thuê đất, thuê rừng trong thời hạn 50 năm và tại những vị trí có thể ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh quốc gia). Bộ TNMT khẳng định, các dự án này trước khi quyết định cho thuê đất đều đã được xem xét, đánh giá toàn diện, trong đó có yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh như phản ánh của cử tri.
Liên quan đến lý do cấp phép cho công ty Formosa tại tỉnh Hà Tĩnh thuê đất với thời hạn 70 năm, Bộ chủ quản nêu rõ, theo pháp luật đất đai hiện hành, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức “được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm”.
Việc xem xét, quyết định cho thuê đất đối với đối tượng là tổ chức thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - trường hợp này là UBND tỉnh Hà Tĩnh.