Tiếp tục phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 13-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra về các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, thi hành án và phòng chống tham nhũng.
Một mặt ghi nhận những thành quả đạt được, mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá được tổng thể công tác xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc và trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành; chưa có số liệu về cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và cán bộ, chiến sĩ cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) vi phạm bị xử lý.
Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) chưa báo cáo đầy đủ kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) chưa nêu rõ số lượng văn bản của Tòa án các cấp kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kết quả giải quyết.
Cơ bản đồng tình với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, song cơ quan thẩm tra lưu ý, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc kéo giảm tội phạm, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, tài sản.
Một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,9%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng internet tăng 113,2%, hiếp dâm tăng 21,03%. Một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường gia tăng như: sản xuất, buôn bán hàng giả tăng 92,24%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 74,5%, gây ô nhiễm môi trường tăng 103,23%. Đặc biệt, trong kỳ báo cáo đã xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh, gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.
“Bên cạnh việc công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp cũng chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Cùng với đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, có giá trị đặc biệt lớn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố.
Tai nạn giao thông mặc dù giảm về số người chết (9.086 người, giảm 7,61%) nhưng tăng mạnh về số vụ tai nạn, số người bị thương và số trường hợp vi phạm bị xử lý, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng. Số vụ cháy, số người chết do cháy tăng mạnh, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.