Phát biểu trong cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah II tại Paris (Pháp), ông Macron nhấn mạnh: “Các đối tác của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là Jordan, đang nỗ lực (để công nhận Nhà nước Palestine) và chúng tôi đang phối hợp với họ. Chúng tôi sẵn sàng góp phần thúc đẩy điều này tại châu Âu và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Ông Macron khẳng định, giải pháp công nhận Nhà nước Palestine độc lập chính là đáp ứng nguyện vọng từ quá lâu của người Palestine, cũng là vì người Israel và toàn khu vực đầy bất ổn này. Tổng thống Pháp cũng cảnh báo chiến dịch quân sự của Israel tại Rafah (Nam Gaza) có thể chỉ dẫn tới thảm họa nhân đạo chưa từng thấy và sẽ là bước ngoặt trong cuộc xung đột này.
Đây là lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo Pháp để ngỏ khả năng công nhận Nhà nước Palestine. Hành động này có thể không thay đổi lớn tình hình trên thực địa nếu không có các cuộc đàm phán thật sự, nhưng được đánh giá có ý nghĩa biểu tượng về ngoại giao. Hiện hầu hết các nước Tây Âu chưa công nhận Nhà nước Palestine vì cho rằng điều này phải được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán với Israel.
Trước đó, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh, sẽ không thương lượng về quyền kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel tại phía Tây Jordan. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc phản đối một Nhà nước Palestine độc lập trên các phần lãnh thổ nằm bên trong đường ranh giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.
Trong một diễn biến liên quan, Nga đã mời đại diện của tất cả các lực lượng chính trị Palestine, bao gồm các lực lượng ở Syria, Lebanon và các nước Trung Đông khác tới Moscow tham dự cuộc họp từ ngày 29-2 đến 2-3 tới.
Đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại Trung Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, cho biết: “Mục tiêu của Moscow là giúp các lực lượng Palestine đoàn kết hàng ngũ về mặt chính trị. Hành động của Nga xuất phát từ thực tế là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã và vẫn là đại diện hợp pháp của người dân Palestine, tổ chức này đã được cộng đồng quốc tế và chúng tôi chấp nhận”.