Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối đổ về Mexico trong năm 2021 tăng 27%, vượt 51 tỷ USD, cao hơn cả mức đóng góp của xuất khẩu dầu mỏ hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài. Guatemala cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục 34,8%, đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, trong khi thu hút kiều hối của Honduras và El Salvado chiếm tương đương hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo ông Jesus Cervantes Gonzalez, người đứng đầu bộ phận thống kê kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu tiền tệ Mỹ Latinh (CEMLA), đà tăng trưởng mạnh mẽ tại Mỹ - đạt 5,7% vào năm 2021 - đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy dòng tiền chảy vào khu vực vì đến nay nền kinh tế số một thế giới vẫn là nguồn kiều hối chính của Mexico và Trung Mỹ. Chuyên gia Dilip Ratha cho rằng, mức độ phụ thuộc cao vào kiều hối không phải tín hiệu xấu mà chỉ là kết quả tự nhiên của tình trạng thất nghiệp và lương thấp. Nguồn tài chính này giúp duy trì cho các nền kinh tế đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm lại. Kiều hối thực sự là phao cứu sinh giúp hàng triệu người không rơi vào cảnh nghèo đói.
Theo các chuyên gia, kinh tế phục hồi, các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ liên bang, đặc biệt là việc triển khai gói cứu trợ “Giải cứu nước Mỹ” đã giúp hầu hết người dân Mỹ vượt qua khó khăn, tạo cơ sở cho thị trường việc làm phục hồi nhanh chóng sau khi hàng triệu việc làm “bốc hơi” trong thời gian đại dịch hoành hành, đồng thời thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động trong các ngành thiết yếu và lao động nhập cư ở Mỹ.
Các gói kích cầu của Chính phủ Mỹ cũng làm gia tăng thu nhập cho lao động nhập cư hợp pháp. Thậm chí, một số bang cho phép người nhập cư không có giấy tờ nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, tình trạng kinh tế không mấy khả quan ở Mexico và Bắc Trung Mỹ cũng thôi thúc người di cư gửi nhiều kiều hối hơn.