Phao cứu sinh điều khiển từ xa: Từ cú sốc mất bạn thân đến dự án mang tính cộng đồng

Dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” của các em: Nguyễn Đoàn Tiến, Nguyễn Trọng Tâm, Nguyễn Thị Hồng Vi, học sinh Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Ninh Thuận, dưới sự hướng dẫn của Th.S. Nguyễn Trí Thịnh đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các thầy cô, học sinh tại vòng chung kết cuộc thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” diễn ra ngày 7-4-2018 vừa qua.
Các em Tiến, Tâm, Vi bên mô hình dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”
Các em Tiến, Tâm, Vi bên mô hình dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”

Từ cú sốc mất bạn thân

Việt Nam với địa thế nhiều ao hồ, sông ngòi, bãi biển nên tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á, gấp 8-10 lần các nước phát triển. Lứa tuổi có tỷ lệ đuối nước cao nhất là lứa tuổi đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị đuối nước. Gần như ngày nào trên trên báo chí cũng có những thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em.

Từ một tai nạn đuối nước cướp đi sinh mệnh của người bạn thân, đồng thời xuất phát từ mong ước góp phần bảo vệ tính mạng, sự an toàn cho các bạn học sinh, nhóm các em Tiến, Tâm, Vi đến từ Trường iSchool Ninh Thuận đã tiến hành nghiên cứu dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa”.

Phao cứu sinh điều khiển từ xa: Từ cú sốc mất bạn thân đến dự án mang tính cộng đồng ảnh 1 Em Nguyễn Đoàn Tiến thuyết trình về đề tài “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” tại vòng chung kết Hội thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018”
 
Phao cứu sinh điều khiển từ xa: Từ cú sốc mất bạn thân đến dự án mang tính cộng đồng ảnh 2 Vòng chung kết “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô, học sinh, thí sinh, quan khách và các cơ quan thông tấn, báo chí.
 Nguyên vật liệu đơn giản

Sau khi thống nhất về chọn đề tài nghiên cứu, cả nhóm chia nhau điều tra khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng về các tính năng cần có của phao cứu sinh, phân tích các sản phẩm cứu hộ hiện có trên thị trường.

Đồng thời, nhóm còn quan sát các tình huống đuối nước trên các đoạn video, clip, phóng sự để tìm hiểu kỹ từng hành động, diễn biến của người gặp nạn,…

Sau đó, cả nhóm phân tích, rút ra nhận xét về chuỗi phản ứng của người bị đuối nước, nhất là trong các tình huống bất ngờ. Cuối cùng, nhóm thống nhất đưa ra ý tưởng cần một phao cứu sinh có chức năng di chuyển đến vị trí người đuối nước nhanh chóng sẽ hạn chế được tỷ lệ tử vong khi bị đuối nước.

Từ các nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm, có thể tái chế như các đoạn ống nhựa PVC 21, nguồn điện ắc quy 12V, hai motor 12V, thiết bị điều khiển, phao, dây điện, keo dán, thùng xốp,…

Các ống nhựa được nối lại với nhau thành khung phao, để gắn ắc quy và mạch điều khiển (đựng trong thùng xốp kín) và phao. Sau đó sử dụng hai động cơ quay 12V công suất 150W dùng để đẩy phao di chuyển. Hệ thống phao cứu sinh điều khiển từ xa của các em Tiến, Tâm, Vi có chi phí sản xuất thấp (dưới 1 triệu đồng/bộ) và vận hành khá đơn giản.

Khi thấy người đuối nước, phao được thả xuống và điều khiển đến người bị nạn. Sau khi thấy người bị nạn bám được vào phao thì sẽ điều khiển để phao quay lại bờ. Bằng cách này, phao đến được người bị nạn nhanh hơn và không cần người phải xuống cứu trực tiếp. Đây là điểm lợi thế, khi trường hợp không có người biết bơi xuống cứu và cũng tránh được tình trạng người cứu cũng bị đuối nước theo.

Được biết, nhóm các em đã thử nghiệm phao cứu sinh ngay tại hồ nước tại địa phương và thu được kết quả phao vận hành ổn định, tốc độ phao đạt 10 km/giờ. Phao có thể cứu được 2 người (khoảng 110kg) cùng một lúc.

Hướng phát triển cho dự án mang tính cộng đồng cao, giàu giá trị nhân bản

Mặc dù dự án “Phao cứu sinh điều khiển từ xa” của các em Tiến, Tâm, Vi chỉ đoạt giải khuyến khích tại hội thi, song ý tưởng đầy nhân văn và có ý nghĩa xã hội cao của các em đã nhận được nhiều sự quan tâm, động viên từ thầy cô, khán giả và quan khách.

Các em cho biết, sau cuộc thi, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, tăng tốc độ di chuyển của phao, thay bộ điều khiển bằng sóng RF 2 kênh thành 4 kênh để vận hành được nhiều phao hơn, lắp thêm bộ cảm biến báo động, bộ đàm để có thể liên lạc được với người bị nạn.

Tại Hội thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” vừa qua, hệ thống Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool có nhiều đề tài tham dự gây ấn tượng vì tính cộng đồng và ứng dụng cao. Trong đó, dự án “Công tắc WIFI – Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật” của 2 em Võ Lê Mai Anh và Lê Nguyên, học sinh lớp 9/3 Trường iSchool Nha Trang đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.

Hội thi là hoạt động thường niên do Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức nhằm giúp học sinh trau dồi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống, hình thành các sản phẩm phục vụ cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, đam mê tìm hiểu, đam mê nghiên cứu cho học sinh trong hệ thống giáo dục của Tập đoàn.

Tin cùng chuyên mục