Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trao công hàm phản đối. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết, vật thể bay “có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa” và không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng xác nhận vật thể bay “không rơi vào lãnh thổ Nhật Bản”. Theo Reuters, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố lệnh sơ tán khẩn cấp đối với người dân sống tại khu vực phía Bắc Hokkaido, nhưng cảnh báo sơ tán đã được rút lại sau đó.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc cũng đã triệu tập một cuộc họp. Báo cáo của quân đội Hàn Quốc nêu rõ, họ đã “phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc xa hơn được phóng từ khu vực Bình Nhưỡng lúc 7 giờ 23 sáng 13-4 (giờ địa phương)”. Tên lửa được phóng đi theo quỹ đạo nghiêng - thường được thực hiện để tránh bay qua các nước láng giềng - và “đã bay 1.000km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông”. Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên dường như đã thử ICBM thế hệ mới sử dụng nhiên liệu rắn. Nếu điều này được xác nhận, đây sẽ là một bước đột phá về kỹ thuật trong chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không phải là mối đe dọa tức thì đối với công dân và lãnh thổ nước này, cũng như đối với các nước đồng minh của Washington. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nêu rõ, cánh cửa ngoại giao vẫn mở và hối thúc Triều Tiên lựa chọn cam kết ngoại giao.
Vụ phóng sáng 13-4 được thực hiện sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đầu tuần này đưa ra cảnh báo mới với Mỹ về các cuộc tập trận quân sự chung của nước này và Hàn Quốc, đồng thời cắt đứt liên lạc với Seoul.