Chính vì vậy, việc Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo và văn hóa nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các kiến nghị về xử lý những vi phạm được lấy từ tình hình thực tiễn vừa qua.
Có thể nói, hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi xôn xao: từ việc các phim Ròm, Vị bị phạt 40 và 35 triệu đồng vì gửi dự thi liên hoan phim quốc tế khi chưa được cấp phép, đến chuyện phạt 170 triệu đồng với đơn vị nhập khẩu bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ do có hình ảnh vi phạm quy định pháp luật và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Rồi phim Vợ ba bị phạt 50 triệu đồng vì bản phim chiếu rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép, lưu chiểu…
Đỉnh điểm nhất là hành vi vi phạm của các nền tảng phát hành phim trực tuyến nước ngoài, nhất là Netflix. Tuy lỗi vi phạm rất nghiêm trọng nhưng lại không thể áp dụng các biện pháp xử phạt vì những đơn vị này hiện đang hoạt động “ngoài luồng”. Cách xử lý duy nhất là yêu cầu buộc gỡ bỏ bản phim có nội dung vi phạm khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là biện pháp tình thế bởi luật đang còn nhiều kẽ hở để bị lách.
Trước đây, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức tối đa với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức 100 triệu đồng. Ở đây có hai vấn đề cần được lưu tâm và bàn luận. Thứ nhất, các hình thức xử phạt như vậy liệu đã đủ sức răn đe chưa hay còn quá nhẹ so với hậu quả nó gây ra. Thứ hai, việc xử phạt cần được liên tục cập nhật để đảm bảo theo kịp cơ chế thị trường, linh động với từng trường hợp và hoàn cảnh thực tế. Có những mức xử phạt phù hợp ở giai đoạn này nhưng sẽ trở thành lạc hậu một thời gian sau đó.
Chính vì vậy, việc đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, trong đó bổ sung 17 hành vi vi phạm chưa có trong văn bản luật trước đây, có thể xem là phản ứng kịp thời. Ngoài xử phạt hành chính, dự thảo còn quy định thêm các hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động sản xuất, tước giấy phép... hay yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả, như: cải chính thông tin sai sự thật, công khai xin lỗi, tiêu hủy hoặc xóa bỏ, gỡ bỏ phim vi phạm… đặc biệt, với việc phim phát hành trên không gian mạng có vi phạm, nhiều ý kiến đề xuất phải có quy định yêu cầu gỡ bỏ trong vòng tối đa 24 giờ để tránh tình trạng phim phát tán.
Những sản phẩm văn hóa, trong đó có phim ảnh, ngoài chức năng giải trí còn có tác động lớn đối với công chúng. Xử lý một sản phẩm văn hóa sai phạm đã khó, khắc phục hậu quả đôi khi còn khó hơn rất nhiều. Do vậy, chế tài phù hợp, đảm bảo tính răn đe và tính khả thi trong thực tiễn là kiềng 3 chân vững chắc, tạo nền tảng cho các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh. Với việc bổ sung Nghị định 38 và nhất là việc Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, tất cả đều hy vọng các thay đổi về luật sẽ góp phần hạn chế đến mức tối đa tình trạng lách luật hay vi phạm đi trước, luật chạy theo sau.