Chiều 17-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm và phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù
Báo cáo trước đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội TPHCM 4 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng, dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn. Từ 8-4 đến nay TPHCM không ghi nhận ca tử vong nào. Kinh tế TP tiếp tục tạo đà phục hồi mạnh mẽ. Trong 4 tháng tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 186.000 tỷ đồng, đạt hơn 43% dự toán.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của TPHCM đều chưa tận dụng được. Các dự án đã được HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đều chậm tiến độ hoặc chưa triển khai được. TPHCM vẫn chưa có nguồn thu từ khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước…
UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để TPHCM được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết này bao gồm những nội dung kiến nghị thay thế Nghị định số 93/2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM; những cơ chế mà TPHCM đang cần trung ương hỗ trợ để phát huy tốt hơn lợi thế, tiềm năng của mình, trong đó có cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức.
Phân tích rõ nguyên nhân
Tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các ĐB tập trung trao đổi, tìm các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội của TPHCM và góp ý xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trước khi trình Quốc hội.
Nghị quyết 54 cũng giúp TPHCM tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Cụ thể, tỷ lệ điều tiết ngân sách sau nhiều năm giảm, đến năm 2022 TPHCM được giữ lại 21%, nhưng mới một năm nên cũng chưa phát huy được nhiều. Việc bán tài sản công thì chưa thực hiện được, theo ĐB có nguyên nhân là các đơn vị trung ương phối hợp còn hạn chế, có những việc TPHCM kiến nghị, các bộ một năm mới trả lời. Việc cổ phần hóa cũng chưa có hướng dẫn của Chính phủ, không xác định được giá đất…
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, trách nhiệm từ nhiều phía, trong đó trách nhiệm của trung ương cũng rất rõ. “Vì sao TPHCM có Nghị quyết 54 mà vẫn hạn chế phát triển, là bởi nguồn lực không tăng được nhiều. Hai năm đầu thực hiện quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Ngay sau đó TPHCM lại có 2 năm đương đầu với Covid-19, ảnh hưởng rất lớn”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Đối với các nội dung được đánh giá còn hạn chế, đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định UBND TP sẽ có giải pháp cho mỗi phần việc. “Quan điểm chung là cuối năm nay, Nghị quyết 54 kết thúc nhưng các phần việc triển khai theo Nghị quyết này vẫn phải thực hiện cho đến khi hoàn thành”, đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị UBND TPHCM tập trung phân tích, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với những nội dung hạn chế, chưa thể thực hiện được, để làm cơ sở xây dựng chính sách mới.
Về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 91,6km, đi qua 4 địa phương, là trục đường kết nối các đô thị vệ tinh của TPHCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do phía Bình Dương đã đầu tư 15,3km nên còn 76,3km cần thực hiện. Để triển khai dự án, có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bồi thường tái định cư (TPHCM có 741 hộ). Các địa phương đã chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Mục tiêu đến cuối năm 2025- đầu 2026 sẽ thông xe kỹ thuật với 4 làn xe để chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII. UBND TPHCM và UBND các tỉnh thống nhất kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương thể thực hiện dự án giao đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ 50% -50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM và các tỉnh (riêng tỉnh Long An là 75%-25%). |