Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cáo buộc bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng) với chức vụ, quyền hạn được giao, biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn ký 429 văn bằng giả.
Trong đó, cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ 208 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được: họ tên, tuổi, nơi cư trú, chức vụ, đơn vị công tác. Còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Cơ quan điều tra còn cho rằng, bị cáo Hòa còn ký các văn bản như quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, đợt 1 bổ sung và đợt 2 năm 2018...
Bên cạnh đó, Dương Văn Hòa còn giới thiệu 2 trường hợp để Trường Đại học Đông Đô làm thủ tục cấp bằng là Trần Thị Quỳnh và Hoàng Hạnh Phương.
Tại tòa, bị cáo Dương Văn Hòa khai, bản chất sở hữu trường là của Trần Khắc Hùng và do Hùng phụ trách, bị cáo Hòa nói không nắm rõ, bởi mặc dù là thành viên HĐQT nhưng Hòa không góp vốn.
Dương Văn Hòa cũng khai, chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh được manh nha từ cuối 2017, đầu 2018. Hòa cũng thừa nhận, chủ trương này không đúng với chương trình đào tạo, nên không hợp pháp.
Biết là không hợp pháp, nhưng do chủ trương của Trần Khắc Hùng và do Hùng quyết định, không thông qua HĐQT và Ban Giám hiệu. Trần Khắc Hùng cũng là người chỉ đạo trực tiếp đối với 2 đơn vị là Viện Đào tạo liên tục và Viện 4.0.
Trước tòa, Dương Văn Hòa thừa nhận cáo trạng truy tố, và nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Tuy nhiên, bị cáo Hòa phủ nhận việc chỉ đạo cưới dưới cấp văn bằng 2 tiếng Anh.
Dương Văn Hòa còn phủ nhận không hưởng lợi từ khoản chênh lệch trong quá trình cấp văn bằng 2 tiếng Anh. “Bị cáo còn trẻ, mới làm quản lý nên gần như tin tưởng vào các quyết định của HĐQT. Ban đầu, Trần Khắc Hùng nói cứ yên tâm, không sao đâu, nhưng sau này bị cáo mới biết là sai”, bị cáo Hòa nói.
Trong khi đó, phần xét hỏi bị cáo Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô) cũng làm rõ hành vi chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.
Bị cáo Oanh không có ý kiến thắc mắc đối với kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố. Thừa nhận đã ký 16 danh sách cho 250 cá nhân trong việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh, bị cáo Oanh nói theo quy định của trường, mỗi hồ sơ bị cáo sẽ được nhận 7 triệu/1 hồ sơ, đây gọi là “phần thưởng” của nhà trường.
Việc làm theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, bị cáo Oanh cho biết, trước khi làm, Hùng đã nói tìm hiểu kỹ và đã tham khảo ý kiến luật sư, nếu vi phạm chỉ là hành chính. “Ông Hùng không nói tham khảo ý kiến luật sư nào, nhưng chỉ vi phạm hành chính, các nhân viên thực hiện không có vấn đề gì”, bị cáo Oanh khẳng định.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Trần Kim Oanh cảm ơn cơ quan điều tra, viện kiểm sát giúp bị cáo nhận thức rõ hơn về hành vi phạm tội. Cuối lời khai, bị cáo Oanh cho biết, bản thân đã 20 năm cống hiến trong nghề giáo, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, do chưa nhận thức và chưa tìm hiểu kỹ nên dẫn đến sai phạm. Bị cáo xin lỗi gia đình, sinh viên.
Được gọi lên đối chất về khoản “phần thưởng” của nhà trường dành cho lãnh đạo mà bị cáo Oanh đã khai, bị cáo Dương Văn Hòa khẳng định không nắm rõ nội dung này. Bị cáo Hòa tiếp tục phủ nhận không được nhận một đồng nào.
Tại phiên tòa, đại diện Bộ GD-ĐT có đơn xin vắng mặt, mặc dù trước đó tòa đã có giấy triệu tập. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho rằng, việc vắng mặt những người liên quan không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, do trước đó đã có lời khai. Các luật sư sau đó cũng đồng ý tiếp tục phiên tòa. HĐXX sau 5 phút hội ý, quyết định tiếp tục phiên xét xử. HĐXX quyết định thay đổi tư cách tham gia tố tụng với một số người làm chứng thành người có quyền và nghĩa vụ liên quan. |