Phán quyết vì môi trường

Tòa án Môi trường Chile vừa ra phán quyết chấm dứt vĩnh viễn dự án khai thác vàng Pascua Lama trị giá hàng tỷ USD. Lý do, dự án có chủ đầu tư là tập đoàn khai khoáng Barrick Gold của Canada gây tác hại môi trường nghiêm trọng.
Dự án khai thác vàng Pascua Lama của Tập đoàn khai khoáng Barrick Gold (Canada) tại Chile. Ảnh: www.banktrack.org
Dự án khai thác vàng Pascua Lama của Tập đoàn khai khoáng Barrick Gold (Canada) tại Chile. Ảnh: www.banktrack.org

Tòa bác bỏ đơn kiện của tập đoàn Barrick Gold và ủng hộ quyết định của Viện Công tố Chile đưa ra vào năm 2018 về việc hủy bỏ “hoàn toàn và vĩnh viễn” dự án này.

Phán quyết của tòa nêu rõ, cần phải chấm dứt dự án khai thác vàng Pascua Lama do mức độ nguy hiểm quá lớn đối với sức khỏe con người, trong khi các phương án thay thế để đảm bảo vận hành khai thác an toàn với môi trường và sức khỏe của người dân đều không khả thi. Công ty Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới, bị tuyên phạt 9 triệu USD.

Pascua Lama là một trong những mỏ vàng lộ thiên lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao 4.500m, trong một khu vực sông băng trên dãy Andes, ở biên giới phía Bắc giữa Chile và Argentina. Dự án khai thác của Barrick Gold bắt đầu triển khai từ năm 2009 với tổng số vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án đã bị đình chỉ từ năm 2013 sau khi tòa án tiếp nhận đơn kiện từ các tổ chức vận động vì môi trường cho rằng việc khai thác làm ô nhiễm các nguồn nước trong khu vực.

Giới chức Chile cũng đánh giá dự án vi phạm 33 quy định môi trường và hủy hoại những quần thể động thực vật bản địa. Một thống kê đưa ra vào năm 2014 cho thấy, mỏ Pascua Lama có thể thu về sản lượng tương đương 17,5 tấn vàng và 515 tấn bạc mỗi năm trong vòng 5 năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác.

Giữa lúc nền kinh tế Chile đang bấp bênh trong cơn khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19, thì quyết định của chính phủ Chile đã phát đi thông điệp không đánh đổi môi trường sống và sức khỏe người dân lấy lợi ích kinh tế. Bất chấp đầu tư khai thác mỏ tại Chile có khả năng đạt 64 tỷ USD vào năm 2025, giúp củng cố thêm vị thế của quốc gia này, phán quyết trên cũng là một hồi chuông cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài khi Chile đang siết chặt ngành công nghiệp khai thác mỏ để bảo vệ môi trường. 

Không chỉ ở Chile, ngành công nghiệp khai thác vàng đã để lại những hậu quả tàn khốc cho môi trường ở Nam Mỹ. Hơn 600.000 tấn đá được xử lý để lọc vàng mỗi ngày. Quy trình khai thác vàng này đã thải ra cyanide và thủy ngân vào nguồn nước. Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), để có được 1g vàng đãi thì phải thải ra môi trường 2-5g thủy ngân. Sông suối sẽ không còn màu xanh mà tanh mùi hóa chất. Xung quanh các mỏ vàng, các gia đình phải bỏ đất, vật nuôi, cây cối và bỏ cả nguồn nước tự nhiên vốn là nguồn sống của họ.

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu môi trường và Sức khỏe cộng đồng quốc tế cuối tháng 7, gần 1/3 số cá ở bang Amapa tại khu vực Amazon của Brazil có hàm lượng thủy ngân ở mức cao, nguy hiểm cho người ăn.

Dịch bệnh, kinh tế suy thoái khiến giá vàng tăng vọt và cơn sốt vàng lại bắt đầu lan trên khắp khu vực Amazon, buộc các nhà hoạch định chính sách khu vực Nam Mỹ phải trải qua những phép thử chưa từng có liên quan tới nhu cầu dự trữ, khai thác vàng và bảo vệ môi trường bền vững.

Tin cùng chuyên mục