Phân luồng học sinh sau THCS và THPT - “Luồng” chưa khơi thông

Học bừa, thi bừa: Lãng phí!
Phân luồng học sinh sau THCS và THPT - “Luồng” chưa khơi thông

Căn bệnh “sính bằng cấp” đã được chỉ ra từ lâu với việc rất nhiều người, bằng mọi giá phải vào được đại học, bất chấp năng lực và điều kiện của bản thân. Vấn đề “phân luồng học sinh” đã được ngành GD-ĐT đặt ra từ lâu, nhưng đến nay hiệu quả vẫn thấp. Hoặc nói cách khác, đã có luồng nhưng chưa khơi thông được. Đâu là giải pháp để thực hiện phân luồng hiệu quả là vấn đề Bộ GD-ĐT đặt ra ngày 11-9, tại hội thảo trực tuyến với các sở GD-ĐT.
 
Học bừa, thi bừa: Lãng phí!
 

 – Nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 HS. Nếu những HS này được “phân luồng”, học nghề sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
– Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS học nghề và TCCN rất thấp (học nghề khoảng 2,5% - 3%; TCCN từ 1,4% - 1,8%).
 
– Trên 70% HS THPT không được giáo dục hướng nghiệp một cách đầy đủ. Trên 85% học sinh muốn thi vào ĐH, có tới 56% sẵn sàng chờ năm sau thi lại ĐH nếu trượt.

Ông Cao Tiến Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, nếu không làm tốt công tác phân luồng học sinh thì không thể thực hiện được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của xã hội. “Trong một nhà máy, 80% - 85% là lao động trực tiếp sản xuất, tức chủ yếu là lao động ra lò từ các trường nghề, TCCN. Với xu hướng thay đổi công nghệ quản lý, ứng dụng CNTT và quản trị hiện đại, xu hướng chung của các doanh nghiệp, nhà máy là ngày càng cắt giảm lao động gián tiếp”, ông Sâm nói.
 
Trong khi đó, thực tế đào tạo hiện nay của chúng ta vẫn đang theo kiểu “đào tạo cái mình có, chưa đào tạo cái xã hội cần”. Mặt khác, người học cũng vẫn chạy theo bằng cấp, chưa theo nhu cầu thực của xã hội, gây ra sự lãng phí vô cùng lớn. Ai cũng theo quan điểm, học hết THCS phải lên THPT, học hết THPT phải vào ĐH. Thực tế, theo ông Cao Tiến Sâm, có gia đình bắt con cái thi đi thi lại ĐH đến 4 - 5 lần, quá lãng phí, vì vậy cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học hành. 
 
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT: “Qua 8 năm xử lý thông tin về thi ĐH, chúng tôi rất buồn. Ngay cả Hà Nội, địa phương có điểm thi ĐH dẫn đầu thì vẫn còn quá nhiều em thi ĐH chỉ đạt 1 - 2 điểm/môn, các tỉnh khác còn tệ hơn. Chứng tỏ một bộ phận không nhỏ học “nhầm chỗ”, vì năng lực các em quá yếu. Nhiều em thi ĐH cho vui. Đó là một sự lãng phí kinh khủng”. Cũng theo ông Ngọc, với sự bùng nổ của các trường ĐH hiện nay, tỷ lệ chung là 44% học sinh THPT vào ĐH, tức là cứ 2 em thì có 1 em vào ĐH. Đây là con số quá lớn, càng chứng minh sự phân luồng của chúng ta thất bại.
 
Tạo hấp dẫn cho học nghề
 
Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến phát biểu đều chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng “học bừa, thi bừa” là do việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT. “Thiếu hẳn mảng quản lý nhà nước và vận động xã hội để giúp cho việc phân luồng thành công. Trong khi xã hội đang nặng nề tư tưởng bằng cấp thì hiện nay, định hướng nghề nghiệp chủ yếu là do gia đình và nhà trường phối hợp và “tự phán”, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GĐ-ĐT TPHCM, bức xúc.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Phạm Ngọc Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MAI HẢI
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Phạm Ngọc Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MAI HẢI

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận thì thẳng thắn đặt vấn đề: “Thử hỏi chúng ta ngồi đây, có ai không muốn con em mình vào ĐH?” rồi nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề bằng cấp, học thầy, học thợ. Bởi lẽ, một người học nghề giỏi còn vinh quang hơn những cử nhân, kỹ sư trình độ “nhàng nhàng”. Tiếp đó là phải tổng lực thay đổi hệ thống dạy nghề còn yếu kém hiện nay.

Là người “trong nhà”, nhưng ông Cao Tiến Sâm, Phó Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhận, hệ thống dạy nghề, kể cả các trường TCCN hiện quá yếu kém, học xong khó xin việc, vì thế không hấp dẫn được người học. Ông Sâm cho rằng, nếu trường nghề mà trang bị được cho học sinh 3 điều: kỹ năng nghề, thái độ nghề nghiệp, môi trường hành nghề thì doanh nghiệp cần, xã hội cần và người học sẽ thích. 
 
Dĩ nhiên, cũng như ông Sâm, đại diện các địa phương như TPHCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Kiên Giang… đều đồng tình phải tạo được động lực cho người học nghề. Động lực không chỉ dừng ở việc tư vấn, định hướng cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà phải xuất phát từ lợi ích thiết thân. Ngoài việc phải sớm thực hiện chính sách học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được miễn phí, có chính sách đãi ngộ giáo viên dạy nghề, trường nghề, nhiều địa phương cũng bày tỏ bức xúc về việc mãi chưa thực hiện được việc đào tạo liên thông từ trường nghề lên CĐ-ĐH.

Theo ông Sâm, cách duy nhất để tạo động lực học nghề, đó là “đặt” dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tức là phải có học liên thông lên đại học, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. “Chủ trương đã có rồi, chỉ còn là vấn đề kỹ thuật và đó là trách nhiệm của chúng ta”, ông Sâm thẳng thắn. 

Học viên lớp Điện công nghệ hệ trung cấp Trường Cao đẳng Nghề TPHCM thực hành lắp ráp tụ điện. Ảnh: MAI HẢI
Học viên lớp Điện công nghệ hệ trung cấp Trường Cao đẳng Nghề TPHCM thực hành lắp ráp tụ điện. Ảnh: MAI HẢI


 Kết luận về các giải pháp phân luồng học sinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp sao cho phù hợp với năng lực của người học. “Hiện tại, đa số lao động mà xã hội cần chủ yếu đào tạo qua hệ TCCN và dạy nghề, vì vậy cần yêu cầu toàn xã hội chăm lo cho công tác hướng nghiệp”, Phó Thủ tướng nói. Hiện tại trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục cũng đã đặt vấn đề, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề. Phó Thủ tướng đồng ý, phải sớm chuẩn hóa chương trình TCCN và dạy nghề để tạo sự tương thích trong việc liên thông giữa các trường.
 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục