Phân luồng giao thông phục vụ đại lễ

ĐÀO VĂN SỬ
Phân luồng giao thông phục vụ đại lễ

Để phục vụ lễ diễu binh, diễu hành ngày đại lễ 10-10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có kế hoạch phân luồng giao thông như sau:

Từ 20 giờ ngày 9-10 đến 12 giờ ngày 10-10 sẽ cấm toàn bộ phương tiện (trừ xe có phù hiệu ưu tiên, phù hiệu bảo vệ) lưu thông trên các tuyến phố: Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ - Chùa Một Cột - Độc Lập - Ông Ích Khiêm - Bà Huyện Thanh Quan - Tôn Thất Đạm - Nguyễn Cảnh Chân - Bắc Sơn - Mai Xuân Thưởng - Lê Hồng Phong - đường Thanh Niên - Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Liễu Giai); Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến dốc Tam Đa) - Quán Thánh (từ đường Thanh Niên đến Hòe Nhai) - Phan Đình Phùng (từ Hàng Bún đến Hùng Vương) - Điện Biên Phủ - Chu Văn An - Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - các tuyến phố xung quanh Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Kim Mã - Liễu Giai - Văn Cao - Nguyễn Chí Thanh (từ La Thành đến Kim Mã) - Yên Phụ - Công viên Bách Thảo.

Tháp Rùa - hồ Gươm long lanh những ngày đại lễ. Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ

Tháp Rùa - hồ Gươm long lanh những ngày đại lễ. Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ

Hồ Gươm rộn ràng âm thanh, ánh sáng
Vượt qua rào cản ngôn ngữ, tối 9-10, tại sân khấu ngoài trời hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, các nghệ sĩ đến từ TP Toulouse (Cộng hòa Pháp), TP kết nghĩa với Hà Nội, đã có đêm diễn đầy ấn tượng, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Với cách thể hiện rất chuyên nghiệp từ ngôn ngữ sân khấu tới việc sử dụng ánh sáng, âm thanh, khán giả có mặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đêm qua đã bị cuốn theo cách kể chuyện vui nhộn đầy hài hước của các nghệ sĩ quốc tế. Cả buổi diễn gần như không có lời thoại, không có thông ngôn, song nghệ sĩ và diễn viên đều gặp nhau tại một điểm chung đó là bầu không khí lễ hội vui nhộn, ấm áp và lịch lãm theo phong cách Pháp. Với sự xuất hiện của đoàn Toulouse, cùng sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn chèo Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm thực sự là một sân khấu lớn rộn ràng và lung linh sắc màu.

Từ 15 giờ ngày 9-10 đến 24 giờ ngày 10-10, xe tải từ 0,5 tấn trở lên sẽ bị cấm hoạt động trên các tuyến Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (gồm cả Khuất Duy Tiến kéo dài qua cầu Dậu đến hết đường Nguyễn Hữu Thọ), Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông). Cơ quan chức năng yêu cầu người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ hệ thống biển báo cũng như hướng dẫn phân luồng của lực lượng chức năng tại các chốt để bảo đảm giao thông, trật tự.

Ngoài ra, để bảo đảm giao thông tại khu vực Quảng trường Ba Đình, từ 20 giờ ngày 9-10 đến 14 giờ ngày

10-10, Sở GTVT cấm tổ chức trông giữ phương tiện tại các tuyến Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ - Chùa Một Cột - Độc Lập - Ông Ích Khiêm - Bà Huyện Thanh Quan - Tôn Thất Đạm - Nguyễn Cảnh Chân - Bắc Sơn - Mai Xuân Thưởng - Lê Hồng Phong - đường Thanh Niên - Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Liễu Giai); Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến Tam Đa); Quán Thánh (từ Thanh Niên đến Hòe Nhai), Phan Đình Phùng (từ Hàng Bún đến Hùng Vương); Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền, các tuyến xung quanh Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Kim Mã, Liễu Giai, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh (từ La Thành đến Kim Mã), Yên Phụ, Công viên Bách Thảo để dành diện tích trông giữ phương tiện về dự và phục vụ đại lễ.

Ngày 9-10, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức thông xe cầu cạn Pháp Vân và hệ thống đường dẫn lên cầu Thanh Trì. Cầu cạn Pháp Vân có tổng chiều dài hơn 2,3km, 6 làn xe cơ giới, bảo đảm phương tiện đi lại với vận tốc 80km/giờ. Tổng vốn đầu tư xây dựng công trình 993 tỷ đồng. Gói thầu xây dựng đường dẫn phía Thanh Trì có tổng chiều dài 6,2km, nối từ đường Giải Phóng đến cầu Thanh Trì, thuộc loại đường dẫn cao tốc rộng 26,5m, có tổng vốn đầu tư hơn 1.124 tỷ đồng.

Cùng ngày, lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho tháp Báo Ân trong khuôn viên chùa Bằng - Linh Tiên tự, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã diễn ra trang trọng. Nhân dịp này, Hội đồng Sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận tháp Báo Ân là tháp Phật giáo có nhiều tượng đồng nhất Việt Nam. Trước đó, năm 2007, tháp Báo Ân đã xác lập kỷ lục tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam.

Lung linh sắc màu trên hồ Gươm. Ảnh: HỒNG VĨNH

Lung linh sắc màu trên hồ Gươm. Ảnh: HỒNG VĨNH

Hôm nay, thời tiết thuận lợi cho ngày lễ chính
Hôm nay, 10-10, thủ đô Hà Nội bước vào ngày đại lễ chính với nhiều sự kiện quan trọng sẽ được diễn ra ngoài trời. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hôm nay thời tiết khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội khá thuận lợi để tổ chức các chương trình của đại lễ như diễu binh, diễu hành, vui chơi, biểu diễn nghệ thuật. Mặc dù ngoài khơi vùng áp thấp vẫn đang tồn tại nhưng sáng và chiều 10-10, trời Hà Nội sẽ không có mưa, nhiệt độ khoảng 26 - 320C. Giữa trưa có nắng hơi oi. Riêng về đêm có thể xảy ra mưa rào nhẹ, nhiệt độ 250C nhưng không ảnh hưởng tới chương trình biểu diễn nghệ thuật ở sân vận động Mỹ Đình

Hôm qua, rạp đa năng Đại Nam tại 89 phố Huế (Hà Nội) đã được khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tổng mức kinh phí đầu tư 96 tỷ đồng, dự án xây mới rạp Đại Nam chính thức khởi công từ tháng 5-2009, quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó có phòng biểu diễn đa năng gồm 409 chỗ ngồi, khu dịch vụ đa năng, sảnh đón tiếp kết hợp trưng bày, triển lãm, khu kỹ thuật phụ trợ... Sau khi chính thức khánh thành, rạp Đại Nam được bàn giao cho Nhà hát Chèo Hà Nội quản lý và khai thác, sử dụng.

Hôm qua 9-10, triển lãm “Bảo vật hoàng cung” đã khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. 13 bảo vật trưng bày trong triển lãm lần này đều có chất liệu chính bằng vàng khối và ngọc quý, được chọn ra từ hàng trăm bảo vật của vương triều Nguyễn đang lưu giữ tại đây. Trong số đó, đáng chú ý nhất là 3 chiếc kim ấn bảo tỷ - được xem là bảo vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vương triều Nguyễn. Đây là lần thứ 2 các bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Hà Nội. Lần đầu tiên các bảo vật ra mắt công chúng thủ đô là vào năm 1961.

Giải xe đạp nam xuyên Việt quốc tế chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc vào sáng

9-10. Kết quả “áo vàng” chung cuộc đã thuộc về Mai Nguyễn Hưng - Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1; áo xanh thuộc về VĐV Bùi Minh Thụy - ADC Truyền hình Vĩnh Long 1; áo đỏ “Vua leo đèo” thuộc về VĐV Lê Văn Duẩn - Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1. “Áo trắng” dành cho VĐV trẻ xuất sắc nhất thuộc về VĐV Nguyễn Tấn Hoài (SN 1992), Domesco Đồng Tháp. Giải nhất tập thể thuộc về Bảo vệ thực vật Sài Gòn 1; Domesco Đồng Tháp đoạt giải nhì và Bảo vệ thực vật An Giang giải ba. Tổng giá trị tiền thưởng là 300 triệu đồng

NHÓM PV.

Tin cùng chuyên mục