Hình thức phân loại mới sẽ gồm 6 bậc: 0+ là sách dành cho lứa tuổi từ sơ sinh trở lên (dĩ nhiên loại sách này sẽ do phụ huynh hỗ trợ đọc, giao tiếp cùng bé); 3+; 6+; 12+;16+ và 18+ (dấu + là từ số tuổi quy định trở lên).
Chuyện cũ nhưng vẫn mới
Cần nhắc lại, NXB Trẻ là một trong hai đơn vị xuất bản đầu tiên trong cả nước (cùng NXB Kim Đồng) tiến hành dán nhãn phân loại sách cho bạn đọc. Giữa năm 2015 đơn vị này đã đưa ra các phân loại độ tuổi bạn đọc gồm 3 bậc là T1 (sách dành cho thiếu nhi); T2 (tuổi teen tức khoảng 12 tuổi trở lên) và T3 (dành cho tuổi trưởng thành).
Phía NXB Kim Đồng cũng có hình thức tương đương nhưng mang tên cụ thể như sách Tiền học đường (dành cho trẻ dưới 6 tuổi), học sinh (từ 6-10 tuổi), mới lớn (từ 9-15 tuổi) và truyện cho người trưởng thành. Với những người làm xuất bản, việc phân loại sách phù hợp với độ tuổi bạn đọc không phải là chuyện mới.
Ngay trong đăng ký kế hoạch xuất bản cũng có phần “đối tượng bạn đọc” được Cục Xuất bản quy định phải ghi rõ. Còn về các NXB việc quy định độ tuổi bạn đọc với từng cuốn sách là một công tác quan trọng không chỉ về vấn đề nội dung mà còn cả trong định hướng kinh doanh để tập trung vào các đối tượng bạn đọc phù hợp.
Không phải ngẫu nhiên những đơn vị làm sách cho thiếu nhi lại đi đầu trong việc chủ động gắn các tiêu chí phân loại bạn đọc lên sách của đơn vị mình. Sách thiếu nhi trong nước là mảng sách có tính phức tạp về đối tượng bạn đọc nhất, đặc biệt là với mảng truyện tranh. Nếu ở Việt Nam, khái niệm truyện tranh bị mặc định là truyện cho trẻ em, thì truyện tranh nước ngoài, từ manga của Nhật đến comic của Âu - Mỹ đều là loại sách dành cho mọi lứa tuổi.
Bộ truyện tranh Tintin của họa sĩ Bỉ Herge được mệnh danh là dành cho bạn đọc từ 7 đến 77 tuổi, là một minh họa điển hình. Chính vì vậy, việc phân loại độ tuổi truyện tranh trở thành cứu cánh cho người làm sách khi có thể đưa đến bạn đọc yêu thích thể loại truyện tranh những tác phẩm dành cho người lớn mà không bị ngăn cản bởi khái niệm “chỉ cho trẻ em”. Bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan là một ví dụ cụ thể khi trước đó bị lên án là “sách thiếu nhi” nhưng có quá nhiều chi tiết án mạng, chết người… chỉ sau khi gắn mác “Truyện tranh dành cho lứa tuổi trưởng thành”, áp lực dư luận mới dừng lại.
Cần có thời gian
Theo Thông tư 09/2017 của Bộ TT-TT có hiệu lực chính thức từ ngày 1-10-2017, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa. Như vậy, từ một hoạt động mang tính tự phát nay việc phân loại độ tuổi đã được đưa thành luật, thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi thanh thiếu nhi. Thế nhưng, quy định lại không nêu cụ thể việc nội dung sách nào thì phù hợp với lứa tuổi bạn đọc ra sao. Điều này khiến cho nhiều đơn vị làm sách tỏ ra lo lắng bởi không biết việc phân chia độ tuổi sẽ dựa trên những tiêu chí nào.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, việc phân chia độ tuổi ở các sách của NXB hiện nay dựa trên một số yếu tố như: Sự phân chia độ tuổi trên sách gốc (ở các NXB nước ngoài), sự phân chia này rất đầy đủ và cụ thể nên là yếu tố tham khảo quan trọng; đánh giá của biên tập viên; căn cứ trên quy định về độ tuổi của luật Việt Nam. Đây cũng là cách phân chia độ tuổi cơ bản hiện nay của các NXB. Ông Cao Xuân Sơn, Trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM cho biết, NXB Kim Đồng cũng áp dụng hình thức tương tự, chỉ khác biệt ở một số chi tiết phụ không đáng kể.
Điểm quan trọng nhất trong việc phân chia này là đánh giá của biên tập viên, đây là người tiếp xúc nhiều nhất, đầy đủ nhất đối với một tác phẩm trước khi xuất bản. Các phân chia của nước ngoài nhất là mảng sách truyện tranh rất phức tạp, như sách cho bé gái, bé trai, thiếu nữ, người trưởng thành, nội trợ, phụ nữ chưa chồng… Chính biên tập viên với trình độ, cảm quan văn hóa sẽ có chọn lựa phù hợp nhất trong việc phân loại độ tuổi.
Hoàn toàn tán đồng với quy định về việc gắn phân loại độ tuổi bạn đọc lên sách, nhưng theo ông Cao Xuân Sơn, quy định không cần cụ thể hóa về mặt chi tiết, chưa kể nếu muốn cũng chưa chắc đã có thể quy định được, do sách có một môi trường cực kỳ đa dạng.
Cũng theo ông, ngay cả đối với việc gắn nhãn phân loại độ tuổi, phụ huynh cũng không nên xem đây là sự bắt buộc, nên hiểu đây chỉ là một hình thức khuyến cáo, trợ giúp bạn đọc, phụ huynh dễ chọn sách phù hợp cho con em mình hơn. Khuyến cáo mang tính chất số đông, nhưng số đông không phải là tất cả. Chẳng hạn với mảng sách quy định độ tuổi trên 12, nhưng vẫn có những trường hợp trên 12 tuổi nhưng tâm lý vẫn có sự rụt rè, e ngại, sợ sệt… nếu tiếp cận quá nhanh các loại sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực. Ở những trường hợp này, chính phụ huynh mới là người hiểu rõ nhất nhu cầu, khả năng của con em mình để có lựa chọn tối ưu nhất.
Quyết định của Bộ TT-TT về việc cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa nhận được sự tán đồng cao từ người làm sách đến bạn đọc. Thế nhưng việc áp dụng, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của việc làm này vẫn cần có thời gian để có thể phát huy hiệu quả thực sự.