Chính tôi cũng từng là người kém ý thức khi bỏ rác vào thùng rác. Một lần, cách nay 3 tuần, khi đứng tại nhà chờ xe buýt gần vòng xoay Phú Lâm (quận 6), tôi vừa bỏ vỏ chai nước đã uống hết vào thùng rác thì bị một cháu bé khoảng 12 tuổi chạy đến nhắc: “Chú ơi, để vỏ chai nước vào thùng rác bên kia”.
Thực tế còn rất nhiều cư dân đô thị cũng chủ quan, vô ý như tôi lúc ấy, không quan tâm đến việc tại nhiều nơi công cộng đã trang bị thùng chứa rác vô cơ và rác hữu cơ riêng biệt, nên vẫn bỏ rác vào thùng lộn xộn.
Tại nhiều nước, người ta đã có ý thức phân loại rác từ rất lâu. Chẳng hạn như nước Đức, có nhiều thùng rác với các màu khác nhau, chứ không phải chỉ 2 thùng. Với rác vô cơ thì rác nhựa và bao bì cho vào thùng màu vàng; rác giấy cho vào thùng màu xanh dương; rác thủy tinh còn có thùng màu trắng cho thủy tinh sáng, và thùng màu xanh lá cây cho thủy tinh màu... Do vậy nước Đức đã đạt được tỷ lệ tái chế rác tới mức 65%.
Cùng với việc tuyên truyền vận động cư dân có ý thức không xả rác bừa bãi, cần tuyên truyền vận động cư dân có ý thức phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ. Việc phân loại rác không những giúp tận dụng phế liệu, xử lý rác một cách khoa học, bảo vệ môi trường mà còn giúp cho người công nhân vệ sinh đỡ vất vả hơn.
Để ý thức phân loại rác được nhân rộng khắp, người lớn hãy làm gương cho trẻ em. Một khi trẻ học được điều hay này từ phụ huynh nhiều lần thì trẻ sẽ có thói quen tự giác, như trường hợp cậu bé mà tôi vừa kể.