Mô hình thí điểm nói trên của tỉnh Sóc Trăng có diện tích 50ha được triển khai tại HTX Hưng Lợi (ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú), với giống lúa được chọn để gieo sạ là giống ST25 - lúa đặc sản, chất lượng cao của địa phương. Ông Nguyễn Công Hưởng, thành viên HTX Hưng Lợi, cho biết, tham gia mô hình thí điểm, nông dân được hỗ trợ về nhiều mặt. Trong đó, về giống, phân bón được hỗ trợ 50% chi phí, kỹ thuật sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân được hỗ trợ 100%. Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác lúa, thu hoạch, nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật, cơ giới hóa…
Mặc dù là lần đầu sản xuất theo Đề án, với nhiều sự khác biệt, mới lạ so với mô hình sản xuất lúa truyền thống, nhưng nông dân tham gia đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Hưng Lợi, cho biết: “Các tiêu chí từ khâu giống, gieo sạ, quản lý nước ướt - khô xen kẽ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, xử lý rơm rạ… đều được thành viên HTX tuân thủ rất tốt. Từ đó, giúp các cơ quan chuyên môn có thể đánh giá được toàn diện, chính xác hiệu quả của mô hình thí điểm”.
TS Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, triển khai mô hình Đề án, sở đã ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ kết hợp với vùi phân nên lượng giống chỉ còn 60kg/ha (giảm từ 20-40kg/ha); tỷ lệ sử dụng phân đạm giảm 40%; thuốc bảo vệ thực vật giảm 4 lần phun so với ngoài mô hình; áp dụng phương pháp kỹ thuật ướt - khô xen kẽ thông qua quản lý nguồn nước bằng thiết bị cảm biến; triển khai cơ giới hóa khâu thu hoạch và xử lý, thu gom rơm rạ ra khỏi đồng…
Kết quả đánh giá từ các nhóm nghiên cứu cho thấy, chỉ số phát thải mô hình thí điểm tại Sóc Trăng là 9.505kg CO2 /ha/vụ, trong khi chỉ số phát thải ngoài mô hình thí điểm là 13.501kg CO2 /ha/vụ. Như vậy, chênh lệch phát thải trong và ngoài mô hình là 3.996kg CO2 /ha/vụ (tương đương 29,6%). Theo các chuyên gia, việc giảm phát thải này phần lớn là nhờ vào áp dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ và thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng.
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), đánh giá, ngoài việc giảm phát thải, đồng ruộng thí điểm ở Sóc Trăng cho năng suất lúa từ 7,1-7,8 tấn/ha, toàn bộ lúa sau thu hoạch được bao tiêu thu mua với giá là 10.800 đồng/ kg. Theo ước tính, tổng chi phí sản xuất lúa diện tích áp dụng trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình là 20% và lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình là 12% (từ 15-18 triệu đồng/ha). Qua đó cho thấy, mô hình đã góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân theo đúng mục tiêu của Đề án
Với những tín hiệu tích cực từ mô hình thí điểm ban đầu, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ mở rộng thí điểm Đề án lên 7 mô hình vào vụ đông xuân kế tiếp, với diện tích 340ha (mỗi mô hình diện tích từ 30-50ha) tại các huyện, thị xã. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ, nông dân tham gia Đề án. Đồng thời, kêu gọi thêm các công ty, tổ chức, cá nhân cùng đồng hành để hỗ trợ nông dân trong suốt quá trình triển khai mô hình. Cụ thể là kết hợp với các công ty trong việc dùng máy sạ hàng có vùi phân, sử dụng các drone (máy bay không người lái) phun thuốc, bón phân; phối hợp với các đơn vị có thiết bị đo giảm phát thải CO2, đo mực nước tưới ướt - khô xen kẽ và máy móc, thiết bị hiện đại khác để đồng hành cùng bà con nông dân.
Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai Đề án trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trồng lúa của tỉnh, gồm: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và TP Sóc Trăng. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500ha, đến năm 2030 diện tích đạt 72.000ha.