
Hàng trăm ngàn bản “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đến tay bạn đọc, ngọn lửa nhiệt huyết của thanh niên một thời chiến tranh một lần nữa được thắp sáng. Thế nhưng, đằng sau cuốn nhật ký đó còn có những con người, những câu chuyện chưa được biết tới.

"Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đúng như tên gọi là một cuốn nhật ký thuần túy chứ không phải là một tác phẩm văn học, chị Trâm khi đặt bút viết ắt hẳn chỉ muốn tìm một nơi để trải tâm sự của mình, để ghi lại những suy nghĩ, hồi ức và cảm nhận về cuộc sống chiến trường xung quanh chị. Có lẽ chị không thể ngờ rằng có ngày cuốn nhật ký cá nhân của chị lại trở thành cuốn sách của quảng đại quần chúng, được đông đảo bạn đọc thưởng thức.
Chính vì mang tính cách cá nhân nên ngoài những trang viết rực lửa nhật ký có nhiều đoạn không rõ ràng với người đọc, tất nhiên với người viết thì viết tắt như vậy rất dễ hiểu. Chính vì đặc điểm này nên các cuốn nhật ký nổi tiếng thế giới khi xuất hiện đều kéo theo sau đó những cuốn sách khác giải thích rõ hơn bối cảnh trước và sau trong cuốn nhật ký, giải thích các nhân vật sự kiện mà người viết vào thời điểm đặt bút đã không thể ghi nhận hoặc biết được.
Điển hình như cuốn “Nhật ký Anna Frank” nổi tiếng thế giới nói về cuộc trốn chạy của một gia đình Do Thái, đã có hàng trăm tác phẩm được viết ra sau đó miêu tả lại thời điểm trước, trong và sau khi Anna viết nhật ký. Tại Việt Nam sau khi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” xuất hiện mới chỉ có 1 cuốn sách theo phong cách này, đó là cuốn “35 năm và 7 ngày” do NXB Kim Đồng ấn hành tháng 9-2005.
Mở đầu cuốn sách cũng là một câu chuyện nhật ký, 7 ngày của một cựu binh Mỹ về lại chiến trường xưa, và trong hành lý của ông có một tài sản vô giá, đó là những tấm hình cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá và cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm. 7 ngày với cuộc hành trình về lại chính nơi chị Trâm, anh Giá đã ngã xuống.
Bạn đọc sẽ càng xúc động hơn khi được nhìn thấy nơi mà người lính quân báo Mỹ Fred Whitehurst tìm thấy cuốn nhật ký trong xác chị Trâm, được chính người đồng đội anh Giá đưa tới con mương nước nhỏ nơi anh đã ngã xuống trong một trận đánh. Cũng trong cuốn sách này, bạn đọc có dịp gặp lại những nhân vật mà chị Trâm đã miêu tả, gặp lại căn hầm phẫu thuật nơi chiến trường của chị.
Gặp lại những nữ du kích mà anh Giá đã chụp trước lúc ra đi. Cũng chính nhờ cuốn sách này bạn đọc mới được biết viên đạn lấy đi sinh mạng của anh đã xuyên qua ống kính máy ảnh nhưng vẫn không phá hủy được những thước phim cuối cùng và chiếc máy quay phim anh mang theo giờ vẫn được người đồng đội giữ gìn cẩn thận. Sách cũng có những câu chuyện chưa kể của chị Đặng Kim Trâm (em gái của Đặng Thùy Trâm) và những tấm ảnh chưa từng công bố về cuốn nhật ký.
35 năm là thời gian mà cuốn nhật ký của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm lưu lạc âm thầm nơi xứ người, 7 ngày là thời gian để cuốn nhật ký xuất hiện và làm rung động bao trái tim người Việt. Nếu nhật ký chị Trâm, bộ ảnh của anh Giá phản ánh sự khốc liệt, hào hùng của một thời điểm lịch sử trong chiến tranh thì cuốn sách “35 năm và 7 ngày” chính là cái đoạn kết có hậu nhất.
Những ước mơ về ngày hòa bình của chị Trâm đã dừng lại trong cuốn nhật ký nhưng lại tiếp tục tỏa sáng trong cuốn sách. Những ai đã đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” khó có thể không đọc “35 năm và 7 ngày” để thấy ước mơ của chị Trâm thành hiện thực, để thấy sự hy sinh của bao nhiêu trái tim tuổi trẻ thời ấy với ước mơ ngày hòa bình trở thành hiện thực. “35 năm và 7 ngày” là phần kết đẹp nhất cho “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”
Lê Tường Vân