Mới đây, GS-TS Trần Kim Quy, Trung tâm Nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TPHCM và nhóm cộng sự đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý rác sinh hoạt và chất thải của công nghiệp chế biến thực phẩm để sản xuất ra phân hữu cơ có chất lượng cao (compost).
GS-TS Trần Kim Quy cho biết, toàn bộ quy trình công nghệ phải trải qua nhiều công đoạn, từ khử mùi, phân giải rác đến ủ phân… Đầu tiên là nhóm nghiên cứu đã điều chế ra một chế phẩm mang tên OCM (gồm có các giống vi sinh Lactobacillus và Thiobacillus) dùng để khử mùi hôi của rác sau khi được đưa về cơ sở sản xuất. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy chế phẩm OCM với nồng độ 1% đã khử hết mùi hôi của rác. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tìm ra giải pháp đưa bùn hầm cầu và bùn ống cống vào ủ chung với rác thải sinh hoạt giúp cho vi sinh vật phân giải phát triển mạnh, nhằm phân giải nhanh rác.
Việc tận dụng bùn hầm cầu và ống cống cũng góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường của 2 loại bùn này. Để rút ngắn tối đa thời gian ủ rác, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, tuyển chọn, nuôi cấy, điều chế ra một chế phẩm vi sinh vật phân giải rác. Đó là các chủng xạ khuẩn ưa nhiệt (Streptomyces), các chủng nấm mốc và nấm sợi (Aspergillus niger, Trichoderma reesei). Chế phẩm này đã giúp cho thời gian ủ compost từ 50-60 ngày trước đây giảm xuống chỉ còn 20 ngày, bằng với thời gian ủ ngắn nhất mà hiện nay thế giới đạt được.
Sau cùng là để cải thiện chất lượng của phân compost, nhóm nghiên cứu đã áp dụng giải pháp bổ sung vào các chất thải rắn của lĩnh vực chế biến thực phẩm. Để có thể bổ sung được các chất này vào rác, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được một quy trình công nghệ để xử lý các chất thải từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm, thủy hải sản (xương, sừng, lông, móng, đầu-xương-ruột cá…), chất thải từ các nhà máy sản xuất dầu thực vật…
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn tiến hành đo kiểm tra đánh giá mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực sản xuất phân hữu cơ. Nhóm đã đo đạc các thông số như hàm lượng bụi, hàm lượng NH3, SO2, H2S, kiểm tra mầm bẩn vi sinh vật Salmonella, Coli form, E. coli… Kết quả cho thấy nồng độ bụi, NH3, SO2, H2S đều dưới mức tối đa theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6991:2001) và cũng không phát hiện được Salmonella, Coliform, E. coli… trong vùng không khí nơi ủ rác.
Với giải pháp công nghệ vừa nêu trên, GS-TS Trần Kim Quy đã đạt được mục tiêu: xử lý rác thải sinh hoạt, rác được phân giải hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất (20 ngày) thành phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp Việt Nam (tiêu chuẩn 10TCN 526:2002). Theo tính toán bước đầu, ước tính giá thành sản phẩm của phân hữu cơ này khoảng 535.000 đồng/tấn, chỉ bằng khoảng 1/3 giá phân bón hữu cơ nhập ngoại.
Lê Lạc Sơn