Theo dõi vệt bài “Lên án trục lợi từ thiện” trên Báo SGGP những ngày qua, bạn đọc Nguyễn Thụy Minh Thi (38 tuổi, ngụ 49b, Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TPHCM) cho hay, qua vụ việc “bác sĩ Khoa”, dư luận rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ có hay không việc trục lợi từ làm từ thiện. Chị đề nghị: “Với những thông tin mập mờ trong các quỹ từ thiện mà báo đã nêu, cần phải làm rõ để nhân dân biết, không mất niềm tin vào những việc làm tốt”.
Hiện nay, với quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP, việc thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội vô cùng đơn giản. Chỉ cần có 3 sáng lập viên là cá nhân, tổ chức đăng ký, có tài sản đóng góp thành lập quỹ là đủ điều kiện.
Cụ thể, quỹ hoạt động cấp xã thì tiền, tài sản đóng góp là 25 triệu đồng; cấp huyện 130 triệu đồng; cấp tỉnh 1,3 tỷ đồng và liên tỉnh là 6,5 tỷ đồng. Thủ tục thành lập đơn giản, nhưng quyền hạn lại không rõ ràng. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, theo Điều 8 Nghị định 93, quỹ được vận động quyên góp, phối hợp quyên góp.
Thế nhưng, Điều 39 của nghị định này lại quy định: “Đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Có nghĩa là quỹ từ thiện chỉ được vận động từ thiện theo mục tiêu quỹ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn hoạt động thiên tai, dịch bệnh hiểm nghèo thì phải tuân theo quy định khác.
Với hoạt động Quỹ Sống (như Báo SGGP đã nêu), Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập nên việc quản lý thuộc bộ (các quỹ phạm vi hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh thì do Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép thành lập và quản lý; phạm vi cấp huyện, xã do Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập và quản lý).
Thế nhưng, hiện các bộ, ngành chức năng chỉ thành lập mà không thanh tra, kiểm tra, làm rõ hoạt động của các quỹ; người dân lại nhầm tưởng các quỹ là của Nhà nước, nên sẵn sàng ủng hộ. Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ không có chức năng thanh tra, kiểm tra những hoạt động không thuộc ngân sách Nhà nước. Vì đây là quỹ tư nhân nên hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, hiện nay, quy định về hoạt động, quản lý các hội từ thiện thực hiện theo Nghị định 45 về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội. Những hành vi lợi dụng danh nghĩa quyên góp, ủng hộ, kêu gọi chủ yếu là các cá nhân, nhóm xã hội.
Qua câu chuyện “bác sĩ Khoa”, chúng ta thấy đây là sự việc rất xấu, gây bất bình trong dư luận. Vụ việc đã được phát hiện kịp thời và các cơ quan chức năng đang xử lý. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền địa phương và Nhà nước đều khuyến khích hoạt động thiện nguyện để huy động các nguồn lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, các hoạt động này phải vừa có sự kiểm soát (đóng góp như thế nào, phân phối nguồn lực ra sao…), vừa bảo vệ người đóng góp. Trong đó, hạn chế việc đóng góp theo cách tùy tiện, tự đi vào các vùng dịch, vùng đỏ vì có nguy cơ mang mầm bệnh. Vì vậy, rất cần thiết có sự điều phối chung của các cấp thẩm quyền, lúc đó nguồn lực mới phát huy hiệu quả cao.
Ngày 14-8, Thanh tra Sở TT-TT TPHCM cho biết, Sở TT-TT đã mời các chủ thể đăng ký sử dụng tài khoản “JK”, “HMAĐ” và “NHT” lên làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”. Cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục làm rõ việc tài khoản “Trần Khoa” là giả mạo, nhưng vẫn tương tác, trao đổi thật trong một nhóm trên mạng xã hội, có dấu hiệu vụ lợi. |