Trong khi, dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam (lần thứ 4) để kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để sớm gỡ được “thẻ vàng”.
Sau loạt bài, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cuối tháng 5-2023, EC sẽ vào kiểm tra. Như vậy, thời gian không còn nhiều nữa. Giám sát và quản lý đội tàu cũng như quản lý hồ sơ để truy xuất nguồn gốc thủy sản là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Năm 2022 đã xảy ra 81 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài với 101 tàu, 959 người. Trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục để xảy ra 6 vụ vi phạm. Hiện nay, 96% tàu đã được gắn định vị, 4% còn lại là số có nguy cơ cao. Cho nên, ở cấp tỉnh phải quản lý đội tàu sát sao, cụ thể, không thể để tình trạng tàu đã được gắn định vị nhưng vẫn mất kết nối.
“Nếu còn để tàu vi phạm thì sẽ không gỡ được thẻ vàng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo và cho biết, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc bổ sung trang thiết bị kỹ thuật để có bằng chứng xử phạt hành chính những tàu vi phạm. Hiện nay, lực lượng cảnh sát biển cũng được huy động, tham gia kiểm soát, ngăn chặn các trường hợp tàu cá vi phạm.
Còn theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT), mục tiêu chính của Quyết định 81 mà Thủ tướng vừa ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” là “chấm dứt hoàn toàn” tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. “Rất tiếc trong quý 1, chúng ta vẫn để xảy ra 6 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, gồm 1 tàu của Kiên Giang, 1 tàu của Khánh Hòa, 1 tàu của Bình Thuận và 3 tàu của Bình Định, vi phạm vùng biển của Malaysia”, ông Hùng thông tin. Ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết, nếu Việt Nam không chấm dứt được tình trạng này thì việc gỡ “thẻ vàng” là khó, vì các nước trong khu vực sẽ có ý kiến. Nếu các địa phương không quyết liệt hơn nữa thì đợt tới đây, EC sang kiểm tra, sai sót sẽ còn nhiều. Hiện nay, tại các cảng cá, lực lượng liên ngành đang túc trực, kiểm tra tàu cá xuất bến và nhập cảng để giám sát chặt chẽ sản lượng, nguồn gốc thủy sản.
Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra thực tế 5 tỉnh gồm Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định và bàn giải pháp khắc phục, từ đó nhân ra các địa phương khác. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, nếu các địa phương đều triển khai đồng bộ thì chắc chắn sẽ có hiệu quả.