Bà LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): Nhiên liệu sinh học là tất yếu để thực hiện theo cam kết
Nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước và theo thời gian đã được sử dụng tương đối phổ biến để đáp ứng yêu cầu xanh hóa môi trường. Tại Hoa Kỳ, nhiên liệu (xăng) pha trộn ethanol đã được sử dụng từ những năm 2006, đến nay đã có hơn 97% loại xăng bán trên thị trường chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới thị trường này có thể bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn nữa như E15, E20...
Không chỉ sử dụng rộng rãi xăng sinh học để bảo vệ môi trường, hiện nay Hoa Kỳ còn là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất thế giới (chủ yếu từ ngô) với công suất 60 tỷ lít/năm, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất thế giới với hơn 5 tỷ lít/năm. Ethanol cùng các đồng sản sinh học tương tự mỗi năm đang đóng góp hơn 40 tỷ USD cho tổng sản phẩm nội địa. Sau Hoa Kỳ, đến nay một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là những quốc gia đi đầu trong sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.
Ở Việt Nam, nhiên liệu sinh học, cụ thể là xăng E5 được coi là một dạng năng lượng mới, có thể tái tạo để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan phát triển nhiên liệu sinh học, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống… Đến nay, xăng khoáng 92 đã được phối trộn ethanol với tỷ lệ 5% để cho ra loại xăng E5RON92 (xăng sinh học) và cấm sử dụng, kinh doanh loại xăng khoáng RON92 từ năm 2018 đến nay. Mặc dù hiện nay thị trường nhiên liệu sinh học có sụt giảm so với xăng khoáng, nhưng xăng E5, E10, E20… sẽ là xu thế tiêu dùng toàn cầu trong tương lai.
Để thực hiện lộ trình phát triển thị trường nhiên liệu sinh học hướng tới COP26, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vụ Dầu khí và than rà soát toàn bộ lộ trình phát triển xăng E5 để thời gian tới có lộ trình phát triển loại nhiên liệu sinh học mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam.
Ông NGUYỄN VĂN LẠNG, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam: Sản xuất ethanol từ củ sắn không còn phù hợp
Cách đây khoảng 15 năm, chúng ta đã quy hoạch và đầu tư một số dự án rất lớn để sản xuất ethanol cho thị trường, như các nhà máy ở Phú Thọ, Bình Phước, Quảng Ngãi…, nhưng không mang lại hiệu quả do tính toán sai về chính sách, xác định sai chi phí đầu vào. Thực tế thì nhu cầu ethanol của chúng ta cũng không cần nhiều như thế.
Những nơi đang trồng nhiều sắn để sản xuất ethanol là Tây Ninh, khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền núi phía Bắc. Thế nhưng, vùng nguyên liệu này không chỉ sản xuất ethanol cho xăng sinh học mà còn phải để phục vụ các nhà máy chế biến thực phẩm với nhu cầu tiêu thụ cũng rất lớn. Thậm chí, có thời điểm cồn sinh học dành cho công nghiệp chế biến thực phẩm còn không đáp ứng đủ, nên hầu như không có để xuất khẩu, mà còn phải nhập khẩu ethanol. Lượng ethanol không đủ đáp ứng vì vùng nguyên liệu (sắn) không đủ. Trước đây, chúng ta thường sản xuất sắn lát để xuất khẩu với hàng triệu tấn/năm, nhưng hiện nay chúng ta đang phải giảm lượng xuất khẩu (chỉ còn xuất khoảng 400.000-500.000 tấn/năm) để ưu tiên sắn làm ra tinh bột tiêu thụ ngay trong nước. Từ tinh bột này sẽ làm ra tinh bột biến tính hoặc đường gluco. Hiện các nhà máy chế biến đường gluco từ tinh bột sắn có nhu cầu lớn về nguyên liệu, thu nhập mang lại khá cao.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng bột sắn cũng ngày càng nhiều, ví dụ như bột để làm bánh kẹo các loại, bột mì… Cho nên, một số doanh nghiệp cũng thu mua tinh bột sắn để xuất khẩu đi châu Âu theo các FTA, đặc biệt là nhu cầu nhập của các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản rất nhiều. Trong khi nếu đem tinh bột sắn, sắn tươi để làm thành ethanol thì có những vấn đề vướng mắc hơn như phải xử lý môi trường, xử lý nước thải… Mặc dù những vấn đề này cũng không phải quá đáng ngại, có thể xử lý được, nhưng cái gốc của vấn đề là thu nhập từ việc dùng sắn sản xuất ra ethanol ở thời điểm này là rất thấp so với dùng sản xuất đường gluco. Lợi nhuận của việc dùng sắn để sản xuất đường gluco chắc chắn là gấp đôi so với dùng để sản xuất ethanol.
Nói chung, để sản xuất cồn ethanol không thể chỉ trông đợi vào củ sắn, mà trong bối cảnh hiện nay cần phải nghiên cứu, triển khai mô hình sản xuất ethanol từ nguyên liệu mía (Brazil là nước đang làm rất thành công giải pháp này, trở thành cường quốc trên thế giới về sản xuất ethanol từ cây mía). Còn ở Việt Nam hiện nay theo tôi, để sử dụng sắn làm nguyên liệu sản xuất cồn sinh học là rất khó khăn. Thêm nữa, hệ thống sản xuất tinh bột sắn đã phát triển lên hàng trăm nhà máy rồi, xuất khẩu tinh bột sắn hàng năm lên tới hàng tỷ USD cho nên các doanh nghiệp sẽ không muốn chuyển đổi từ củ sắn ra ethanol. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà nước có mức giá tốt cho mặt hàng xăng sinh học thì bài toán sẽ được hóa giải, doanh nghiệp có thể chuyển đổi sắn thành ethanol.
TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Phân định nhiệm vụ cụ thể, hồi tố trách nhiệm
Câu chuyện về việc xây dựng các nhà máy sản xuất xăng sinh học pha chế ethanol (xăng E5) đã từng được giới chuyên gia nói đến từ hàng chục năm trước, ngay cả khi dự án sắp triển khai. Đa số các ý kiến khi đó đều bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự án này. Có hai lo ngại là về giá bán xăng, với giá bán cao do chi phí cao thì sẽ khó cạnh tranh trên thị trường; và lo ngại về thiết bị máy móc sản xuất có thể đã lạc hậu cũng như tính khả thi về hạch toán kinh doanh dự án này. Đến nay, những lo ngại trên đã thành sự thực.
Về phương án xử lý, với một dự án đã thua lỗ nặng nề và không có khả năng phục hồi lẫn tính khả thi thì giải pháp tốt nhất theo thông lệ quốc tế là cho phá sản. Sau đó thì bán hóa giá tài sản, bởi nếu càng kéo dài sẽ càng làm tăng chi phí. Theo tôi, thời gian qua, dự án vẫn tồn tại dai dẳng mà không có biện pháp xử lý rốt ráo bởi còn có tình trạng “đá trách nhiệm” giữa Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bây giờ Chính phủ nên đứng ra phân định trách nhiệm cụ thể của các bên để thống nhất phương án xử lý. Cuối cùng, đó là phải quy trách nhiệm được người đã quyết định chủ trương và cho phép triển khai các dự án này, cần có sự hồi tố, xử lý nghiêm khắc.