Phản hồi loạt bài “Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học”: Đưa vấn đề liêm chính học thuật vào nghị định trình Chính phủ

Sau khi loạt bài “Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học” được đăng tải (từ ngày 28 đến 30-11), Báo SGGP đã nhận được ý kiến phản hồi từ nhiều cơ sở đào tạo cũng như các nhà khoa học, quản lý. Trong đó, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT cho biết đã đưa vấn đề liêm chính học thuật vào dự thảo nghị định trình Chính phủ.

Đề xuất những quy định cụ thể 

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, qua theo dõi loạt bài “Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học” trên Báo SGGP, những hiện tượng như mua bán bài báo, đăng bài trên các tạp chí dỏm, tạp chí kém chất lượng nhằm trục lợi là một thực trạng. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, nhắc nhở các trường đại học trong vấn đề công bố quốc tế và chấn chỉnh hiện tượng mua bán bài báo khoa học. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học trực thuộc phải làm thực chất từ năng lực đội ngũ nghiên cứu của nhà trường chứ không phải theo cách ký kết, nhờ vả lực lượng bên ngoài trường.

“Chúng ta phải dựa trên thực lực, từ chính đội ngũ nghiên cứu, giảng viên cơ hữu của mình để công bố quốc tế. Như vậy mới bền vững, lâu dài và mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo của nhà trường. Các trường được tự chủ trong nghiên cứu khoa học nhưng phải làm đúng theo chuẩn và thông lệ quốc tế chứ không thể làm khác được”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Dự thảo nghị định có nhiều nội dung quan trọng nhằm giúp các trường giải quyết được những vướng mắc liên quan đến ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất những quy định cụ thể về vấn đề liêm chính học thuật. Đây là nội dung rất quan trọng để các viện, trường đại học làm cơ sở xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề đạo đức, liêm chính học thuật nhằm xây dựng một nền khoa học thực chất, vững mạnh trong thời gian tới.  

Phản hồi loạt bài “Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học”: Đưa vấn đề liêm chính học thuật vào nghị định trình Chính phủ ảnh 1 Cán bộ khoa học của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM làm việc tại phòng thí nghiệm 

Khuyến khích phát triển các hiệp hội khoa học 

 GS-TSKH Hồ Đắc Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành điện - điện tử - tự động hóa (Hội đồng Giáo sư nhà nước), cho biết, vài năm trở lại đây, trước khi xét duyệt chức danh phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS), Hội đồng Giáo sư nhà nước đều ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết đến từng cấp cơ sở (viện, trường) về vấn đề xét duyệt. Trong quá trình xét duyệt, các hội đồng đều thực hiện công khai và minh bạch, có chuyên gia độc lập. Khi phát hiện thông tin nghi vấn liên quan đến các ứng viên, hội đồng đều tiếp thu và thẩm tra, thông báo kết quả công khai. Tuy nhiên, trong số 28 hội đồng ngành cũng có một số vấn đề về đăng bài trên các tạp chí kém chất lượng, khi phát hiện các ứng viên không đạt yêu cầu đều thông báo rõ lý do. 

Theo GS-TSKH Hồ Đắc Lộc, vấn đề không liêm chính trong học thuật hiện nay tồn tại một phần vì chúng ta chưa thể chế hóa (các quy định), một phần do một số nhà nghiên cứu khoa học (không phải đa số) chưa ý thức và xem trọng. Chính vì vậy, cơ quan quản lý (Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN), các cơ sở đào tạo nên thiết lập, xây dựng quy chế rõ ràng về đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật. Các cơ sở đào tạo nên có những học phần tập huấn về vấn đề đạo đức, liêm chính học thuật cho cả sinh viên lẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh.

“Tôi đồng tình với đề xuất của Báo SGGP là nên khuyến khích phát triển các tổ chức, hiệp hội khoa học (hiệp hội liêm chính khoa học). Tôi cho rằng đây là kênh thông tin rất khách quan, thu hút các nhà khoa học uy tín, có trách nhiệm tham gia bàn luận, phản biện… giúp thúc đẩy liêm chính học thuật”, GS-TSKH Hồ Đắc Lộc chia sẻ. 

Phải có biện pháp chế tài 

 Đánh giá về vấn đề trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, Nhà giáo Nhân dân, GS-TSKH Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng, công bố quốc tế là một xu thế mà cả thế giới đang thực hiện và họ làm thật để đem lại giá trị thật, trước hết là cho các nhà khoa học, kế đến là uy tín cho trường của họ và uy tín khoa học của đất nước họ. Do đó, chúng ta phải học hỏi và làm theo họ. Một khi chúng ta làm thật thì đẳng cấp các nhà khoa học của ta được thế giới công nhận và đương nhiên uy tín, đẳng cấp của trường đại học Việt Nam sẽ được chấm điểm rất cao.

“Đáng tiếc là hiện nay một số nhà khoa học, một số trường đại học trong nước lại chọn cách làm lệch hướng bằng cách mua bán bài báo, gây mất uy tín và không đem lại bất cứ giá trị nào. Thậm chí việc làm này còn khiến cho khoa học nước nhà và một số nhà khoa học chân chính bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng đây là những cách làm không liêm chính. Chúng ta cần phải nhìn vấn đề này một cách nghiêm túc”, GS Võ Tòng Xuân nói. 

Với kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quản lý và từng tham gia 3 nhiệm kỳ Hội đồng Giáo sư nhà nước, GS Võ Tòng Xuân kiến nghị: Vấn đề xây dựng đạo đức nghiên cứu và liêm chính học thuật phải kèm theo biện pháp chế tài cụ thể, đó là thưởng, phạt rõ ràng (như đình chỉ hoặc đuổi học, thu hồi các học hàm, học vị). Còn hiện nay, các trường biết, phát hiện giảng viên, nhà khoa học vi phạm đạo đạo đức nghiên cứu mà không có cơ sở để phạt. Do đó, một khi thiết lập được biện pháp chế tài thì chắc chắn việc gian lận trong học thuật sẽ được ngăn chặn.

* PGS-TS LÂM QUANG VINH, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, ĐH Quốc gia TPHCM: Phát triển, làm chủ khoa học phải bằng nội lực

 Từ năm 2018, khi phát hiện có khoảng 100 cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu ở các trường thành viên công bố bài báo khoa học ghi địa chỉ ở các trường khác, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi họp, tọa đàm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, giúp họ nhận thức được việc làm này là vi phạm Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học. Ngay sau đó, ĐH Quốc gia TPHCM và các trường thành viên đã ban hành những quy định để siết lại vấn đề này. Nhờ sự quyết liệt mà hiện nay đã hạn chế tối đa được thực trạng này.

Cùng với đó, để thúc đẩy vấn đề liêm chính học thuật và chống gian lận trong nghiên cứu, chúng tôi đã thiết lập nhiều cấp xét duyệt đề tài nghiên cứu, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Trong xét duyệt, khen thưởng các công trình, bài báo công bố quốc tế, chúng tôi thành lập 3 hội đồng để kiểm tra nên khó có chuyện công trình, bài báo kém chất lượng mà vẫn được thưởng. Đặc biệt, một số trường thành viên đã đầu tư, xây dựng các phần mềm chống gian lận, đạo văn. Đối với những trường khác (khối kinh tế, xã hội), chúng tôi thành lập trung tâm để tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ trong công bố quốc tế.

Trong giai đoạn sắp tới (2025-2030), ĐH Quốc gia TPHCM đề ra nhiều chương trình, giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là sẽ thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, đạt đẳng cấp quốc tế dẫn dắt trong nghiên cứu ở một số lĩnh vực mũi nhọn, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với chuyển giao ứng dụng, thiết lập phần mềm hướng dẫn quy trình công bố quốc tế, phát hiện các tạp chí dỏm để cảnh báo… Ngoài ra, ĐH Quốc gia TPHCM và các trường thành viên cũng tìm giải pháp tài chính đủ để giảng viên, cán bộ nghiên cứu an tâm thực hiện các đề tài lớn và dài hơi. 

Theo tôi, vấn đề liêm chính học thuật cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và nhanh chóng thúc đẩy trong các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta muốn có nền khoa học mạnh, làm chủ được công nghệ, có nhiều công trình đóng góp và phục vụ tốt cho cộng đồng thì chắc chắn phải bằng nội lực của chính mình chứ không thể đi vay mượn, thuê mướn. 

* TS LÊ TRUNG ĐẠO, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: Điều chỉnh lại quy định khen thưởng bài báo quốc tế

Những nội dung liên quan đến nhà trường mà Báo SGGP phản ánh trong loạt bài “Trục lợi trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học”, chúng tôi ghi nhận và đang tiến hành khắc phục. Cụ thể, trong quy chế khen thưởng cho bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, nhà trường sẽ điều chỉnh, quy định chặt chẽ hơn so với quy chế hiện nay. Ví dụ, nếu phát hiện bài báo đăng trên các tạp chí dỏm, tạp chí giả mạo sẽ không được thưởng và sẽ phải hoàn tiền (quy chế hiện nay của trường chưa quy định điều này). Ngoài ra, thành viên hội đồng xét thưởng sẽ được điều chỉnh, chọn những cán bộ có kinh nghiệm nhằm đảm bảo việc xét duyệt, khen thưởng chính xác.


Tin cùng chuyên mục