- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Báo SGGP vừa phản ánh tại nhiều nơi vẫn xảy ra các vụ lấn chiếm rừng tự nhiên làm nương rẫy (như tại Bình Định); lâm tặc cưa, chặt trộm gỗ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (như ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk); chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tràn lan (như ở Phú Quốc - Kiên Giang)... Ông có nắm các vụ việc này?
Ông NGUYỄN QUỐC TRỊ: Chúng tôi đã nắm được các thông tin này. Trong 6 tháng đầu năm 2022, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại các khu vực ở Tây Bắc (như Sơn La, Điện Biên); khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Trong tổng số 4.688 vụ vi phạm các loại thì có 2.014 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị thiệt hại là 582ha. Số vụ phá rừng năm nay tăng 33% so với cùng kỳ, nhưng diện tích bị thiệt hại giảm khoảng 100ha.
Đáng chú ý là nhiều vụ phá rừng với diện tích lớn đã được các cơ quan báo chí - truyền thông và người dân kịp thời phát hiện. Hiện cơ quan kiểm lâm của Bộ NN-PTNT và các địa phương đang cùng cơ quan liên quan tích cực giải quyết.
- Như Báo SGGP phản ánh, tại Bình Định và Tây Nguyên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để chặt gỗ, lấn chiếm đất rừng tự nhiên làm rừng sản xuất, làm nương rẫy, sau đó bán lại. Nguyên nhân là do đâu?
Hầu hết các vụ phá rừng thời gian qua chủ yếu là để làm nương rẫy. Rừng đã giao khoán cũng bị xâm hại, bởi hiện nay mức hỗ trợ khoán bảo vệ, chăm sóc rừng khá khiêm tốn. Theo tính toán, để bảo vệ mỗi ha rừng hiện nay cần đến 1,1-1,2 triệu đồng/năm, nhưng Nhà nước chỉ cấp hỗ trợ mức trung bình là 350.000 đồng/ha/năm, thậm chí còn phụ thuộc vào khả năng chi trả của ngân sách địa phương. Trung bình mỗi hộ chỉ được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/năm, con số này quá nhỏ so với lợi ích từ việc khai thác tài nguyên rừng trái phép, dẫn đến tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra.
- Cùng với nạn chặt phá rừng, hiện tình trạng phổ biến khiến đất rừng ngày càng teo tóp là do một số địa phương cho phép chuyển đổi đất rừng tự nhiên, hợp thức hóa thành đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, thậm chí đất ở, làm du lịch... Bộ NN-PTNT và cơ quan kiểm lâm có quản lý được việc này?
Chuyển mục đích sử dụng với rừng tự nhiên là rất hạn hữu và việc này phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, quyết định. Còn tỉnh thì phải căn cứ vào tiêu chí các loại rừng, chẳng hạn như thế nào là rừng tự nhiên, thế nào là rừng trồng, xác định cho đúng để quản lý cho đúng, trúng, cụ thể.
- Như vụ phá gần 400ha rừng phòng hộ tại xã Ia Tờ Mốt (Đắk Lắk) mà Báo SGGP đề cập, sau khi phá xong có trồng lại rừng tự nhiên không, bỏ hoang hay hợp thức hóa thành rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm?
Những vụ như ở xã Ia Tờ Mốt, sau khi xử lý các đối tượng liên quan, cần phải buộc trồng lại rừng. Xử lý không đến nơi đến chốn chính là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Nếu phát hiện trường hợp chặt phá rừng, sau khi xử lý xong phải bắt buộc trồng lại rừng. Không thể chỉ xử phạt hành chính, còn diện tích rừng bị phá muốn xử lý thế nào thì xử lý, hoặc cho chuyển thành đất trồng các loại cây khác. Nếu cứ kéo dài tình trạng đó thì sẽ không còn rừng.
- Theo ông, cần tăng trách nhiệm giữ rừng tự nhiên thế nào?
Tình trạng chặt phá rừng thời gian qua vẫn tồn tại, có nguyên nhân là do xử lý nương tay. Không thể nói khó mà không xử lý được. Cùng với lực lượng giữ rừng là kiểm lâm, và quan trọng nhất là phải có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Các địa phương phải xác định rằng, rừng là của mình, bảo vệ là bảo vệ cho mình. Như thế mới nâng cao được trách nhiệm bảo vệ rừng.
- Báo SGGP cũng đề cập tình trạng ở Đắk Lắk và một vài địa phương đang thiếu nhân lực bảo vệ rừng do cán bộ kiểm lâm xin nghỉ, chuyển công tác khác vì sức ép từ công việc. Giải quyết tình trạng này thế nào, thưa ông?
Lực lượng kiểm lâm cả nước có hơn 11.000 người, số xin nghỉ chỉ chiếm phần nhỏ và cũng không lo ngại. Sức ép ở đây là bảo vệ rừng, giữ rừng. Bởi rừng thì mênh mông, bao la, đi lại rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cho nên chuyện thiếu nhân lực bảo vệ rừng là đương nhiên và phải khắc phục dần.
Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu các cơ chế chính sách để nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ rừng, trong đó có quyền lợi của người tham gia bảo vệ rừng, các chủ rừng... Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, hiện đang làm các thủ tục để hội đồng thẩm định khoa học quốc gia cho ý kiến. Đây là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp xây dựng được một quy hoạch tổng thể để có định hướng thực hiện lâu dài. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng “Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, định hướng triển khai cho 5 năm tới.
* Ngày 14-7 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch. Xuất siêu ước đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền đã thu được là 1.502 tỷ đồng, đạt 106% so với cùng kỳ và đạt 54% so với kế hoạch. |
Xử lý vụ phá rừng làm dự án đường Trường Sơn Đông
Còn với vụ phá rừng để thi công dự án đường Trường Sơn Đông, ngay sau khi báo chí thông tin, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, Cục Kiểm lâm đã cử một đội đặc nhiệm vào trực tiếp cùng kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng xem xét vụ việc. “Chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu dừng thi công, thậm chí có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng khởi tố vụ việc”, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết.