Sau loạt bài “Phá núi, phạt đồi - Chưa hồi kết!” từ ngày 28 đến 31-10, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước việc lợi dụng chủ trương đúng đắn của Nhà nước để tàn phá môi trường tự nhiên. Cùng với những chia sẻ của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về giải pháp hồi phục đồi núi, đa dạng sinh thái, chính quyền một số địa phương và cơ quan chức năng đã lập tức “ra quân” khẩn trương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan theo quy định pháp luật.
Có phương án phục hồi môi trường sinh thái
Phản hồi về câu chuyện ở núi Đụn (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, ngay khi doanh nghiệp khai thác mỏ phát hiện hang động dài 70m có suối ngầm, thạch nhũ và các hiện vật, đồ gốm cổ, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu Công ty TNHH Tiến Thịnh dừng hoàn toàn hoạt động khai thác khoáng sản tại núi Đụn (xã Hà Long, huyện Hà Trung) để các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Giao Sở TN-MT tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở VH-TT-DL, UBND huyện Hà Trung hoàn thiện hồ sơ và thực hiện thủ tục khoanh định núi Đụn là khu vực tạm thời cấm khai thác khoáng sản, báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến Bộ TN-MT và bộ ngành liên quan, làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Giao Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH Tiến Thịnh và thực hiện những công việc liên quan, đảm bảo quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Mai Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), bày tỏ: Hiện, 18 mỏ khoáng sản vùng thượng sông Gianh nằm trong quy hoạch phê duyệt của Bộ TN-MT nên không thể đình chỉ được. Sắp tới, chúng tôi tuyệt đối không cấp thêm giấy phép khai thác bất kỳ mỏ mới nào. Đồng thời yêu cầu công an huyện giám sát chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát trữ lượng khai thác, phòng ngừa ô nhiễm môi trường các mỏ đang khai thác. Nếu lãnh đạo xã, thị trấn huyện để xảy ra khai thác khoáng sản lậu, huyện sẽ xem xét, xử lý theo quy định.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: Riêng các núi đá vôi ở ven sông Gianh, đoạn qua huyện Tuyên Hóa, trong năm 2021, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 1 mỏ đá của Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng COSEVCO 1. Tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nhằm giữ lại khu vực cảnh quan môi trường cho đàn voọc gáy trắng về sinh sống. Đến nay, hơn 1.959 khu vực đá vôi trên 405.672ha đã được UBND tỉnh Quảng Bình đưa vào diện bảo tồn, cấm, tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản…
Xử lý nghiêm vi phạm
Ngày 29-10, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, có văn bản chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh và UBND huyện Tây Sơn xác minh thông tin Báo SGGP phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản đất sét, đá trái phép ở núi Chóp Vàng (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) trong loạt bài “Phá núi, phạt đồi - Chưa có hồi kết!”, từ ngày 28 đến 31-10. Theo đó, UBND huyện Tây Sơn khẩn trương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 10-11-2024. Sở TN-MT tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện nội dung chỉ đạo trên, tổng hợp và báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15-11-2024.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định cùng đại diện Phòng Tài nguyên khoáng sản đã ghi nhận những thông tin, hình ảnh, clip phản ảnh của Báo SGGP.
Ông Trần Đình Chương cho biết, Sở TN-MT tỉnh sẽ lập tổ kiểm tra tình hình hoạt động của mỏ đất ở núi Chóp Vàng (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn); mỏ đất không hoàn thổ ở núi Sơn Triều (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn); mỏ đất phục vụ san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc khai thác... Đối với mỏ đất ở núi Chóp Vàng của Công ty TNHH Thương mại Thế Sang, sở sẽ cử đoàn kiểm tra tổng thể về giấy phép, thiết kế, trữ lượng khai thác, thời gian và phạm vi khai thác, hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM), mục đích sử dụng khoáng sản và các hồ sơ kê khai minh bạch trong khai thác khoáng sản… Quan điểm của sở là xử lý nghiêm, không bao che. Nếu phát hiện có hành vi gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, sở sẽ đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Về bất cập trong khâu điều tra, đánh giá trữ lượng ban đầu khi cấp phép mỏ vật liệu xây dựng phục vụ san lấp dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận: “Những giấy phép khai thác khoáng sản đều quy định rất nghiêm ngặt về hoàn thổ, đóng cửa mỏ... Tuy nhiên, một số nhà đầu tư do khai thác mỏ không hiệu quả đã “chạy làng”. Hậu quả, địa phương phải chi ngân sách hoàn thổ, cải tạo bề mặt, môi trường. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát kỹ lưỡng hơn quá trình hoàn thổ của những mỏ được cấp phép, kiên quyết xử lý những chủ mỏ không có trách nhiệm tái tạo môi trường”…
Tại tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Kim Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), thông tin, sau loạt bài của Báo SGGP, địa phương đã cử lực lượng mật phục ở núi Bà (khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh) để bắt quả tang các đối tượng vi phạm nhằm xử lý dứt điểm sai phạm. Tuy nhiên, những đối tượng này đã… tạm ẩn khi thấy động.
Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện
Tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam là nguồn lực có hạn, không thể tái tạo hoặc cần thời gian rất dài để tái tạo. Nếu không có sự tính toán hợp lý, việc khai thác tài nguyên có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng kéo theo hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Khi khắc phục hậu quả, chi phí bỏ ra thường lớn hơn nhiều lần so với nguồn lợi thu được từ việc khai thác ban đầu; không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Vì vậy, tôi mong muốn các quy định pháp luật liên quan đến khai thác tài nguyên phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển xanh và bền vững. Hệ thống văn bản pháp lý của chúng ta khá đầy đủ và toàn diện, nên vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Các địa phương, nhất là những nơi có nguồn tài nguyên phong phú, cần tính toán kỹ lưỡng trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên sao cho đúng quy định và đạt hiệu quả cao nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được đẩy mạnh.
Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Xử phạt sai phạm thật nghiêm minh
Việc khai cát, đất, sỏi, đá trái phép ở miền Trung, Tây Nguyên đã được nói nhiều lần, kéo dài nhiều năm. Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản. Việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử phạt là hết sức cần thiết và phải quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế “cát tặc”, “đất tặc”, “sỏi tặc”, “đá tặc”... Do đó, việc cương quyết xử phạt các hành vi sai phạm, xử phạt thật nghiêm minh là điều các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, không để tình trạng băm nát đồi núi tràn lan.
Ông LÊ KIM TOÀN, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Quan trọng nhất là quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản
Để giảm thiểu tình trạng đồi núi bị xâm hại, đánh đổi quá mức, khâu quan trọng nhất là công tác quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, nhất là quy hoạch phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng công trình. Trong bước quy hoạch đầu tiên, địa phương nên tính toán kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng các yếu tố, giá trị thiên nhiên, môi trường, văn hóa, tín ngưỡng để không làm mất đi những di sản quý giá.
Ông ĐOÀN NGỌC LÂM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình: Cần quy hoạch khoa học, quản lý chặt chẽ
Các địa phương nên có quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên, đồi núi hợp lý, tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn; đảm bảo ban hành những quy định, chính sách quan tâm hơn đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đá, đất phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia, địa phương. Trong các quy hoạch mỏ đất, đá và đồi núi phải luôn hướng đến tính khoa học, đúng đủ cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở quản lý chặt chẽ quy hoạch. Quá trình cho chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác các khu vực mỏ nên có sự giám sát, có công cụ, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực kinh nghiệm để hậu kiểm thường xuyên. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý tài nguyên, tôn trọng và phát huy vai trò của nhân dân về tham gia, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường sống quanh các đồi núi, làng quê nơi mình sinh sống, thụ hưởng…