Phản hồi loạt bài: Ngành công nghiệp hỗ trợ “lột xác”: Tạo nền tảng nội lực vững chắc

Sau khi đăng loạt bài Ngành công nghiệp hỗ trợ “lột xác” (từ ngày 19 đến 21-2), Báo SGGP đã nhận được ý kiến phản hồi của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Hầu hết ý kiến cho rằng, 3 yếu tố then chốt để tạo nền tảng nội lực vững chắc cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ vốn.

* PGS-TS HUỲNH ĐẠI PHÚ

Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM):

Xóa “3 thiếu”, cần “7 làm”

huynh-dai-phu-6929-4587-5345.jpg

Tính chung có đến 60% nguyên liệu sản xuất của ngành CNHT phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Không dừng lại đó, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải còn là thiếu tự chủ về công nghệ và thiết bị. Hiện 90% thiết bị công nghệ sản xuất ngành CNHT đều nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là các thiết bị công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khoảng 10% thiết bị công nghệ của ngành được sản xuất trong nước và chủ yếu là các thiết bị cơ bản ở trình độ công nghệ thấp.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt đang đối mặt tình trạng thiếu tự chủ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, chỉ tính riêng nhu cầu lao động trong ngành hóa chất, cao su, nhựa, từ nay đến năm 2030 cần khoảng 12.000 người/năm nhưng hệ thống đào tạo nhân lực hiện không đáp ứng đủ, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đủ sức nắm giữ vị trí chủ chốt về quản lý công nghệ sản xuất.

Để loại bỏ được “3 thiếu” nêu trên cần thiết phải thực hiện đồng bộ 7 giải pháp. Cụ thể, xây dựng các cụm ngành công nghiệp sản xuất các nguyên liệu theo hướng liên kết vùng, hình thành và phát triển các doanh nghiệp ngành trong cụm công nghiệp; tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ sản xuất.

Đặc biệt ưu tiên cho các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai kết hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp; mạnh dạn có chính sách đặc thù về sở hữu trí tuệ để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các công ty khởi nghiệp, kết hợp hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm; tiếp tục hợp tác với các hiệp hội công nghiệp ngành nghề của các nước để thực hiện kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp nội địa - doanh nghiệp FDI để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đầu tư mạnh vào các nghiên cứu tính toán xác nhận chứng chỉ carbon cho các loại hình sản phẩm.

v5c-5015.jpg
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cát Thái trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký được chứng chỉ carbon cho sản phẩm của mình để tăng tính cạnh tranh trong xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường công tác thông tin về dự đoán các xu hướng phát triển của ngành, hình thành các chiến lược cụ thể cho toàn ngành để thúc đẩy và định hướng các hoạt động hỗ trợ tài chính, đầu tư, khoa học- công nghệ, ưu tiên cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện cho toàn ngành phát triển. Cuối cùng là có chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cho ngành cao su nhựa bằng cách liên kết đào tạo với trường đại học, viện nghiên cứu nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

* Ông NGUYỄN QUANG THANH

Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC):

Chờ ban hành quyết định bố trí ngân sách

anh1-b81deaf6b9c2149c4dd3-6700-4097-9417.jpg

Nếu doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc đầu tư vào ngành sản xuất CNHT sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 2%-5%, thậm chí các doanh nghiệp này được các tập đoàn FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước sở tại trợ vốn lưu động thông qua từng đơn đặt hàng. Trong khi doanh nghiệp Việt phải chật vật vay vốn với lãi suất 8%-12% và không được trợ vốn lưu động.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư vốn đã bị gián đoạn từ năm 2020 đến nay và giao cho HFIC triển khai. Tiếp theo đó, Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM đã ban hành quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Hiện HFIC đã công khai 9 lĩnh vực ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ, bao gồm: Giáo dục; y tế; văn hóa, du lịch, dịch vụ; công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; nông, lâm, ngư nghiệp; môi trường, năng lượng; nhà ở (không bao gồm nhà ở thương mại); giao thông; các lĩnh vực xã hội hóa và các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế khác theo định hướng phát triển của TPHCM. HFIC cũng đã chủ động làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để phổ biến thông tin. Thậm chí, đã lập tổ tư vấn để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến thủ tục tài chính.

Trên cơ sở đó, riêng với lĩnh vực công nghiệp, CNHT, tùy thuộc vào loại hình dự án mà có thể được hỗ trợ lãi vay không quá 5 năm hoặc không quá 7 năm. Số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi vay không quá 200 tỷ đồng/dự án với mức lãi suất được hỗ trợ toàn bộ hoặc 50% từ nguồn ngân sách thành phố. Hiện nay HFIC chờ thành phố ban hành quyết định trình tự thủ tục và bố trí ngân sách để triển khai chương trình. Việc khơi thông chương trình này sẽ tạo “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì ổn định thị phần cũng như tăng tốc mở rộng đầu tư, phát triển.

* Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ Giám đốc Sở Công thương TPHCM:

1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được hơn 5 đồng từ nguồn lực xã hội

bui-ta-hoang-vu-1-2145-4429.jpg

Đầu tư vốn lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, biên độ lợi nhuận cực mỏng, rủi ro đầu tư cao, đó là đặc thù của doanh nghiệp ngành CNHT. Ngược lại, việc phát triển ổn định ngành này sẽ tạo ra bệ đỡ vững chắc cho phát triển công nghiệp của quốc gia. Do vậy, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30-10-2015 quy định về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư TPHCM, trong đó có những chính sách hỗ trợ vốn đặc thù dành cho doanh nghiệp đầu tư ngành này.

Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp và CNHT là đối tượng được thụ hưởng của chương trình kích cầu đầu tư. Cụ thể, mỗi dự án đầu tư của doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất hỗ trợ tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố, đó là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank, đồng thời cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM sẽ có những thông báo về lãi suất này hàng tháng theo quy định.

Thời gian hỗ trợ lãi suất vay mà các doanh nghiệp được hưởng không quá 7 năm, kể từ ngày giải ngân lần đầu. Số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 tỷ đồng cho 1 dự án. Nếu các dự án có yêu cầu mức vốn hỗ trợ lãi suất trên 100 tỷ đồng hoặc thời gian hỗ trợ lãi suất trên 7 năm, UBND TP sẽ xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể.

Tính cho đến thời điểm ngừng thực hiện vào năm 2020, thành phố đã có 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp CNHT với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 1.300 tỷ đồng. Bình quân số vốn đầu tư một dự án là trên 73 tỷ đồng và số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41 tỷ đồng. Nếu tính toán theo hiệu quả thực tế nguồn vốn hỗ trợ mang lại, có thể thấy là ngân sách thành phố bỏ ra hơn 460 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi vay và thu hút được 2.330 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp thành phố.

Như vậy, nếu tính bình quân thì 1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được hơn 5 đồng từ nguồn lực xã hội. Lúc đó, việc thực hiện chương trình do Sở Công thương triển khai nhưng bị tạm ngưng từ năm 2020, nay được tái lập và giao về cho HFIC. Việc tái khởi động chương trình sẽ tạo động lực để kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục