Đề nghị công an vào cuộc
Tại Đắk Nông, sau khi Báo SGGP phản ánh mỏ đá khai thác trái phép và khai thác sai giấy phép tại thôn 3, bon Pinao (cùng thuộc xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh cho biết đã chỉ đạo cán bộ xuống mỏ đá này kiểm tra và phát hiện có sai phạm.
Cụ thể, mỏ đá ở thôn 3, xã Nhân Đạo hoạt động trên diện tích của hộ cá nhân, đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm. Đơn vị đã lập biên bản, xác định khối lượng và cho biết sẽ xử phạt đối với hành vi sai phạm này. Đối với mỏ đá bon Pinao, được cấp phép khai thác đá xây dựng, vật liệu thông thường cho Công ty CP Phú Tài, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện công ty này có khai thác đá bazan dạng trụ cột.
“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị xem xét phía công ty này khai thác đá bazan dạng trụ cột từ thời điểm nào, quá trình khai thác đơn vị này đóng thuế ra sao để tránh tình trạng trốn thuế, thất thu ngân sách nhà nước, sau đó mới có quyết định xử phạt sai phạm được”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, đã đề nghị công an tỉnh phối hợp chỉ đạo lực lượng công an các cấp, UBND các huyện, TP Gia Nghĩa tăng cường kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển đá bazan dạng trụ, cột không đúng quy định trên địa bàn toàn tỉnh.
Còn tình trạng khai thác cát lậu ngay gần trụ sở UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho biết, đã yêu cầu UBND xã lập biên bản, tịch thu toàn bộ số cát là tang vật, đồng thời xử phạt hành chính. Huyện ủy cũng yêu cầu UBND xã Ia Mơ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, trong đó có trách nhiệm của chủ tịch UBND xã.
Đóng cửa mỏ, phục hồi cảnh quan
Trước dư luận về việc các mỏ đá gần trung tâm TP Đà Lạt gây ô nhiễm và ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quanh môi trường, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt.
Cụ thể, đối với các giấy phép có thời hạn khai thác sau năm 2025 thì cho phép khai thác đến năm 2025, ngoại trừ Công ty CP Minh Định (khai thác đến hết năm 2020), Công ty TNHH Hưng Nguyên (khai thác đến ngày 6-3-2023). Sau khi giấy phép hết hạn, các đơn vị phải trả lại giấy phép và đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ trả lại một phần diện tích do vướng rừng; tạm dừng và thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu vực khai thác có nguy cơ mất an toàn; đưa mỏ về trạng thái an toàn đúng theo thiết kế đã duyệt, trồng cây xanh trên các vách moong, đảm bảo cảnh quan môi trường.
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết thêm, đến cuối năm nay, mặc dù chưa hết thời hạn khai thác nhưng các đơn vị được cấp phép khai thác đá ở mỏ đá Cam Ly như Công ty CP Minh Định sẽ trả lại giấy phép khai thác, tiến hành đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng và Công ty CP Thắng Đạt cũng đang làm thủ tục trả lại một phần diện tích có rừng. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nói trên thực hiện ngay việc trồng cây xanh ở những nơi có tầng phủ là đất tại khu vực mỏ đá Cam Ly.
Liên quan đến việc khai thác vàng lậu ở “Tam giác vàng” thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), từ khoảng tháng 9, chúng tôi đã cung cấp tư liệu, hình ảnh, đối tượng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (chủ rừng) cũng như lãnh đạo huyện Đắk G’long, nhưng sau khoảng 2 tháng, các đơn vị này vẫn chậm chạp trong việc vào cuộc ngăn chặn. |