* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM: Xây dựng lộ trình tự chủ tương quan với thế giới
Theo tôi, cần tham khảo, học tập các kinh nghiệm, thực hành tốt về tự chủ đại học từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, xem xét các thất bại (nếu có) từ các quốc gia, hệ thống đã gặp. Quản lý nhà nước về giáo dục đại học (GDĐH) nên thực hiện ở các nội dung có tầm vĩ mô (như có tính chiến lược, các khâu chỉ đạo, huy động, điều phối và giám sát), còn khâu quản lý và tổ chức thực hiện nên giao cho cơ sở GDĐH chủ động thực hiện. Các quy định pháp lý, chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở GDĐH nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính nhất quán; xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho cơ sở GDĐH trong việc thực thi quyền tự chủ.
GDĐH Việt Nam đang trong tình thế cần có sự đột phá về chất lượng và hiệu quả. So với các nước phát triển, có kinh nghiệm hàng trăm năm thực hiện tự chủ đại học thì Việt Nam mới đi được đoạn đường đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ là thời cơ thuận lợi giúp GDĐH Việt Nam tiếp thu những kinh nghiệm và thành tựu của các nước nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển. Cùng với việc luật hóa công tác tự chủ đại học thì sự đổi mới tư duy vẫn là một trong các yếu tố có tính quyết định để chúng ta có một viễn cảnh tươi đẹp về GDĐH như mục tiêu đặt ra, đó là phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
* GS-TS TRẦN ĐỨC VIÊN, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Vai trò hội đồng trường còn mờ nhạt
Thực tế hiện nay, có thể nói rằng không có hội đồng trường (HĐT) thì các trường vẫn hoạt động như thế. Trong khi đó, muốn đánh giá được vai trò của HĐT, phải chứng minh được rằng thiết chế ấy đã nâng cao được chất lượng giáo dục, hoạt động khoa học - công nghệ và các hoạt động khác của trường đại học.
Dễ thấy điểm khác biệt căn bản của mô hình tự chủ của ta so với các nước có nền GDĐH tiên tiến là, trong khi ta có các tầng lớp kiểm soát, giám sát khác nhau thì các đại học đó gần như là một “lãnh địa” riêng của giới học thuật mà nhà nước không cần can thiệp vào, miễn là trường ấy không vi phạm hình sự, làm thất thoát tài sản, không tham nhũng, đảm bảo liêm chính học thuật. Nhà nước tôn vinh và đầu tư cho nhà trường dựa vào KPIs (kết quả đầu ra) rõ ràng như có nhiều sinh viên xuất sắc, sinh viên có việc làm tốt, nhiều công bố đẳng cấp, nhiều phát minh, sáng chế, đổi mới sáng tạo, nhiều kết quả phục vụ xã hội thiết thực và hiệu quả... Thông qua KPIs, xã hội cũng tự “xếp hạng” và vinh danh các trường đại học. Vấn đề mấu chốt là chúng ta phải làm sao xây dựng được một mô hình lành mạnh, tự do học thuật cao, liêm chính học thuật được tôn trọng, không bị bó buộc bởi bất cứ thủ tục hành chính nào; nhờ thế, nhà trường sẽ trả lại cho xã hội bằng kết quả KPIs tốt nhất có thể.
Nhìn chung, muốn sáng tạo, phát huy nội lực thì phải có tự do học thuật, phải trao quyền cho họ thì họ mới có thể nghiên cứu cái mình muốn và công bố cái đất nước đang cần. Nhà nước và xã hội cần tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do học thuật ấy.
* TS VŨ NGỌC HOÀNG, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Tăng ngân sách cho các trường tự chủ
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tự chủ đại học mà hiệp hội đã nghiên cứu từ năm 2014 đến nay. Theo đó, hiệp hội kiến nghị chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở tất cả các trường mà cần phải có lộ trình phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở GDĐH (trường tự chủ, bán tự chủ và trường chưa tự chủ). Xét về mặt pháp lý, hiện chỉ mới có 23 trường ĐH công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ, các trường ĐH còn lại vẫn đang hoạt động theo cơ chế chủ quản. Do đó, trước khi triển khai đại trà tự chủ đại học, Chính phủ nên cho định kỳ đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết 77 (Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017). Tuy nhiên, mấy năm qua, Luật Giáo dục Đại học 2018 và Nghị định 99-NĐ/ CP ngày 30-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 cũng như chỉ đạo từ một số cơ quan quản lý lại làm cho các trường ĐH và xã hội lầm tưởng rằng tất cả cơ sở GDĐH đều được trao quyền tự chủ đầy đủ.
Hiệp hội cho rằng, xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để ngăn chặn quản lý kiểu “xin-cho” nhằm giúp HĐT có thực quyền nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của cấp ủy đảng.
Không đánh đồng tự chủ với tự túc về nguồn lực (tài chính) như quan niệm hiện nay. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường ĐH tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ ĐH, xem đó là nơi xứng đáng được nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng những trường này, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.
* PGS-TS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT): Sớm ban hành chỉ thị về đẩy mạnh tự chủ đại học
Hơn 10 năm qua, hệ thống GDĐH triển khai tự chủ đã đạt được nhiều thành tựu như trình độ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ dưới 15% năm 2013 đến trên 30% năm 2022 (23 trường thí điểm tự chủ hiện nay có trường trên 50% có trình độ tiến sĩ), công tác kiểm định chất lượng (từ chương trình đào tạo đến cơ sở đào tạo) từ chỗ vài cơ sở đào tạo được kiểm định đến nay đã tăng lên gần 1.000 chương trình và gần 200 cơ sở đào tạo được kiểm định. Cùng với đó là HĐT được thành lập, nhiều trường được xếp hạng quốc tế…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: nhiều cơ sở GDĐH vẫn chưa thành lập HĐT, HĐT chưa phát huy đúng và đầy đủ vai trò; chi đầu tư thấp; một số ngành đặc thù tuyển sinh khó khăn... Nguyên nhân chính đó là nhận thức chưa đúng và đầy đủ về tự chủ đại học, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tự chủ đại học chưa đồng bộ khiến tự chủ đại học bị vướng do những quy định của các luật khác, tỷ trọng ngân sách đầu tư cho GDĐH còn thấp, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội còn nhiều vướng mắc...
Trong thời gian tới, tự chủ đại học cần tiếp tục đẩy mạnh theo đúng tinh thần Nghị quyết 29. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Trong năm 2024, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học 2018. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đang tiến hành lấy kiến đóng góp về quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm, trình Chính phủ chiến lược phát triển giáo dục...