Phản hồi loạt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió” - Muốn cho đấu nối điện để quản lý an toàn

Liên quan đến những trường hợp người dân hoàn thành công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại TPHCM sau ngày 31-12-2020 không bán được điện (phản ánh trong loạt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió”, đăng trên Báo SGGP ngày 1, 2, 3-11), ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), giải thích:
Việc thi công điện mặt trời mái nhà rất đơn giản, nhưng hồ sơ thủ tục khá nhiêu khê. Ảnh: XUÂN TRUNG
Việc thi công điện mặt trời mái nhà rất đơn giản, nhưng hồ sơ thủ tục khá nhiêu khê. Ảnh: XUÂN TRUNG

Thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tính đến hết ngày 31-12-2020, TPHCM có 14.157 hệ thống ĐMTMN được lắp đặt với tổng công suất 356,31 MWp. Hầu hết hệ thống ĐMTMN được chủ đầu tư lắp đặt để tự sử dụng, phần điện năng dư (nếu có) sẽ phát lên lưới và được EVNHCMC mua lại với giá cố định theo quy định trong vòng 20 năm.

Từ ngày 1-1-2021, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực nên các tổng công ty điện lực đều dừng việc thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện theo chỉ đạo của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong quá trình vận hành, có một số thời điểm, theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, EVNHCMC phải đề nghị chủ đầu tư các hệ thống ĐMTMN công suất lớn giảm công suất phát để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện quốc gia trong thời gian phụ tải thấp.

PV: Nhưng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg không nêu cụ thể rằng những công trình điện mái nhà hoàn thành sau ngày 31-12-2020 thì không mua điện! Các công trình hoàn thiện sau mốc thời gian trên không bán được điện sẽ dẫn tới thua lỗ, khó khăn… 

Ông BÙI TRUNG KIÊN: Cơ chế cho đến ngày 31-12-2020 là hết hạn, như vậy muốn đầu tư thì người đầu tư phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Khi chính sách không cho bán thì việc đầu tư chỉ để tự sử dụng, người đầu tư phải tự tính toán, cân nhắc và chịu trách nhiệm về nguồn vốn bỏ ra. Còn hiện nay, chính sách tháo gỡ nối tiếp chưa có. Tình trạng này tại TPHCM không nhiều.

Các trường hợp người dân đã lắp đặt sau mốc thời gian trên, không được đấu nối, EVNHCMC xử lý như thế nào?

Chúng tôi có nhận được một số trường hợp kiến nghị cho đấu nối vào hệ thống điện để sử dụng chứ không phải bán điện, nhưng chưa thực hiện được vì không có cơ chế cho phép. EVNHCMC không cho đấu nối là vì sợ mất an toàn. Bởi vì quy định hiện tại không cho đấu nối thì điện lực không có quyền đến kiểm tra kỹ thuật có đảm bảo an toàn hay không, nếu xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm? Thật sự cá nhân tôi rất muốn đấu nối để người dân sử dụng được nguồn điện tại chỗ, đồng thời đơn vị quản lý được lượng khách hàng đã lắp đặt. Nhưng việc này chưa cho phép thì phải tuân thủ. 

Việc yêu cầu bổ sung các thủ tục như giấy phép xây dựng, an toàn cháy nổ, phòng cháy chữa cháy… xuất phát từ đâu, trong khi các quyết định khuyến khích đầu tư không nêu vấn đề này?

Thực ra người dân cũng có thắc mắc, tại sao lúc đầu ngành điện mời gọi tham gia lắp đặt, nhưng sau này khi mua điện lại yêu cầu bổ sung đủ thứ hồ sơ? Nhìn lại quá trình phát triển ĐMTMN từ năm 2018-2019 đến nay, có thực tế là vướng tới đâu, ngành điện kiến nghị tháo gỡ đến đó; nhưng việc này quá mới nên chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Sau này, các thủ tục hướng dẫn hồ sơ pháp lý đã đầy đủ. Đối với giấy phép kinh doanh, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương TPHCM; việc an toàn xây dựng thực hiện theo công văn của Sở Xây dựng TPHCM; về phòng chống cháy nổ thì thực hiện theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC&CHCN, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an TPHCM…

Đối với việc phát triển điện mặt trời tại TPHCM, quá trình triển khai nảy sinh nhiều bất cập, EVNHCMC có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Tại các cuộc họp, EVNHCMC đã kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành các hành lang pháp lý đầy đủ hơn. Đó là ban hành, phân loại tiêu chí quản lý cho các hệ thống ĐMTMN phục vụ cho mục đích tự sử dụng tại chỗ và các hệ thống ĐMTMN có phát ngược sản lượng lên lưới điện. Tiếp đó, cần có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành hệ thống ĐMTMN, hướng dẫn thống nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (giấy phép hoạt động điện lực, sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh...) để các chủ đầu tư tuân thủ ngay từ giai đoạn đầu tư.

Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục