PHÓNG VIÊN: Đến nay, phương án tính giá điện cho các dự án chuyển tiếp (hưởng giá FIT) vẫn chưa được Bộ Công thương ban hành. Hệ quả là nhiều chủ dự án không bán được điện, hàng chục ngàn tỷ đồng bị lãng phí, nhiều chủ đầu tư lao đao, ngấp nghé phá sản. Nguyên nhân nào, thưa ông?
Cục trưởng HOÀNG TIẾN DŨNG: Do yếu tố khách quan lẫn chủ quan nhưng đến nay, Bộ Công thương đã có các văn bản về giá và cơ chế cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, kể cả các dự án dài hạn. Cụ thể, bộ vừa ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Chậm nhất đến lúc nào sẽ có phương án mua điện cho các dự án chuyển tiếp?
Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với bộ ngành khác thẩm định cũng như lấy ý kiến Hội đồng tư vấn độc lập, chuyên gia trong nước và quốc tế để xem xét các số liệu tính toán. Cố gắng trong tháng 1-2023 sẽ ban hành khung giá điện mới. Sau đó, trên cơ sở khung giá ban hành, các nhà đầu tư sẽ đàm phán với EVN về giá mua bán, đảm bảo không vượt quá khung giá ban hành.
Thưa ông, rất nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định mua bán điện các dự án chuyển tiếp đã không tính toán đầy đủ các yếu tố khách quan, cụ thể là bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tại sao Bộ Công thương không xem xét yếu tố bất khả kháng này để kéo dài thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án chậm tiến độ?
Các bên mua điện và bán điện cần căn cứ về điều kiện bất khả kháng được quy định trong Hợp đồng mua bán điện để xử lý các trường hợp cụ thể. Trên thực tế, có rất nhiều dự án điện gió với tổng công suất khoảng 3.500MW được triển khai trong điều kiện dịch bệnh, các chủ đầu tư đã rất nỗ lực, tìm mọi giải pháp để hoàn thành dự án trước thời hạn 1-11-2021. Nếu kéo dài giá FIT sẽ không bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Trong các quyết định quy định về giá bán điện đối với các dự án đều nói rằng, không mua điện của những dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, vòng đời một dự án điện mặt trời, điện gió chỉ 20 năm, việc không mua điện làm tuổi thọ công trình ngắn lại, tỷ suất khấu hao cao, đối mặt rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các chủ đầu tư kiến nghị để cho nhà máy điện phát điện và ngành điện ghi nhận sản lượng, sau này có giá mua điện rồi tính sau. Tuy nhiên, kiến nghị này cũng không được chấp thuận?
Về nguyên tắc, dự án nguồn điện chưa có giá điện thì EVN chưa được huy động. Để tránh lãng phí, một trong những việc cần làm ngay là khẩn trương ban hành khung giá điện mới. Từ khung giá này nhà đầu tư thỏa thuận giá điện với EVN. Còn việc huy động phát điện sẽ căn cứ vào hợp đồng thương mại giữa hai bên đã ký. Hợp đồng này sẽ có những quy định ràng buộc giữa việc huy động như thế nào, thanh toán ra sao đều nằm ở hợp đồng mua điện. Các văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, trong hợp đồng có rất nhiều điều khoản quy định mà nhiều dự án chưa đáp ứng đầy đủ như phòng cháy chữa cháy, công tác nghiệm thu; các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng… Trên thực tế, mặc dù nhiều dự án đã đầu tư nguồn vốn rất lớn, nhìn thì cơ bản hoàn thành có thể phát điện được nhưng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, các điều kiện cần thiết khác chưa đáp ứng đầy đủ, đương nhiên sẽ không được phát điện.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng, hiện Bộ Công thương có chủ trương tính lại giá FIT các dự án năng lượng tái tạo đã ký hợp đồng mua bán điện và đang vận hành, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh. Theo ông, sự lo lắng của các nhà đầu tư như trên có chính xác?
Thông tin Bộ Công thương có chủ trương tính lại giá FIT là không đúng, mà chúng tôi đang xây dựng khung giá mới sau khi các quyết định ưu đãi của Chính phủ đã hết hiệu lực. Như đã nói ở trên, hiện các cơ quan liên quan đang khẩn trương phối hợp để tính toán xây dựng nhanh khung giá mới cho dự án điện mặt trời, điện gió. Do đó, các dự án đã ký kết hợp đồng được hưởng giá FIT, quá trình triển khai tuân thủ đúng các quy định pháp luật, vẫn thực hiện bình thường, không có thay đổi gì. Đến khi nào hết thời hạn hợp đồng, căn cứ tình hình thực tế thời điểm đó các dự án này sẽ đàm phán ký kết và tiếp tục hoạt động.
Hiện nay có tình trạng những dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang vận hành nhưng gặp phải khó khăn là cắt giảm sản lượng điện, dẫn tới dự án thua lỗ. Cục trưởng có nhận thấy đây là trách nhiệm của quản lý ngành?
Hiện nay, theo mặt bằng chung thì giá điện mặt trời tương đối rẻ so với nhiệt điện, điện khí… nên ngành điện ưu tiên huy động nguồn này. Tuy nhiên, trong tuần, trong ngày, có thời điểm nhu cầu sử dụng điện giảm, nhưng nguồn cung không đổi nên buộc phải điều chỉnh công suất phát phù hợp với phụ tải điện để đảm bảo an toàn hệ thống điện. Trong khi đó, đặc thù của điện là không thể lưu trữ như các loại hàng hóa khác. Riêng về điện mặt trời mái nhà, chủ trương là khuyến khích sử dụng tại chỗ. Tuy nhiên, vừa qua nhiều công trình lắp đặt vượt quá công suất so với nhu cầu sử dụng dẫn đến nguồn điện dư thừa, trùng thời điểm ngành điện không huy động được. Tôi cũng nhấn mạnh, hiện nay ngành điện không ưu ái, phân biệt đối xử cho bất cứ nguồn điện nào giữa Nhà nước hay tư nhân mà ưu tiên huy động các nguồn điện giá rẻ như điện mặt trời. Do đó, để tránh lãng phí, các chủ đầu tư cần lắp đặt công suất theo thỏa thuận với ngành điện nhằm tránh quá tải, lãng phí.