Ông PHAN VĂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định):
Chủ động khắc phục sổ đỏ cấp sai
Sau loạt bài của Báo SGGP, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở TN-MT tỉnh và UBND các huyện tổng rà soát các bất cập, tồn tại trong quy hoạch sử dụng đất; đồng thời làm rõ nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết, xử lý dứt điểm. Thực hiện chỉ đạo trên, UBND huyện Vân Canh đã thông báo rộng rãi để người dân bị cấp sổ đỏ sai (nhầm thửa, sai diện tích, sai tên…) đến các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, thực hiện thủ tục cấp đổi. UBND huyện Vân Canh cũng đề nghị Phòng TN-MT huyện, UBND các xã trực thuộc và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh hỗ trợ, giải quyết hồ sơ đúng thời gian, thủ tục theo quy định; tuyệt đối không “làm khó” người dân. Đơn vị, bộ phận nào để xảy ra vi phạm, cấp ủy, lãnh đạo, người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm.
Riêng 98 sổ đỏ cấp sai ở xã Canh Vinh, UBND huyện Vân Canh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để thẩm định, xác minh, sau đó phân loại, có hướng khắc phục cho từng trường hợp cụ thể. Đối với các trường hợp cấp mới sổ đỏ, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Phan Văn Cường cho biết, hiện nay địa phương chưa có kinh phí để đo lại bản đồ địa chính, hoặc lập mới (bản đồ địa chính hiện tại sai so với thực tế rất nhiều). Do đó, khi giải quyết các hồ sơ cấp sổ đỏ nêu trên, cơ quan cấp sổ đỏ vẫn phải căn cứ vào bản đồ địa chính hiện nay, tuy nhiên phải xác minh thật kỹ; giải quyết hồ sơ trên cơ sở phù hợp với đặc thù địa bàn, đảm bảo đúng các điều kiện theo quy định.
Ông LÊ VĂN TÙNG, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định:
Đo lại bản đồ địa chính
Đúng như Báo SGGP phản ánh, hiện nay bản đồ địa chính và nhiều đồ án quy hoạch ở địa phương bị lạc hậu, chồng chéo, điều này gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là cấp sổ đỏ. Thực tế đã có rất nhiều sổ đỏ bị cấp trùng thửa, sai diện tích, sai chủ sử dụng đất… Hậu quả và hệ lụy phát sinh tranh chấp, khiếu nại, gây bức xúc cho người dân.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do trước đây Bộ TN-MT có dự án hỗ trợ tỉnh đo đạc đất rừng để cấp sổ, giao đất cho người dân. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp nên đơn vị đo đạc chỉ sử dụng thiết bị bay để ghi hình từ xa, độ chính xác không cao. Các sở ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Định cũng đã thấy được bất cập, tồn tại này, song thời gian qua vẫn chưa có giải pháp tối ưu, chưa thể đo lại bản đồ địa chính do tỉnh chưa cân đối được ngân sách. UBND tỉnh Bình Định cũng đã đề xuất Trung ương hỗ trợ giải pháp khắc phục bất cập trong quy hoạch ở địa phương, nhưng chưa có kết quả. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa chỉ đạo các huyện lập dự án để đo đạc đất lâm nghiệp, lập bản đồ địa chính chính quy, hiện đại. Trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên kinh phí cho một số huyện có bất cập lớn trong quy hoạch, cấp sổ đỏ sai nhiều như Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh để đo đạc lại bản đồ địa chính.
Về giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân, nếu như từ năm 2019 trở về trước, tỷ lệ hồ sơ bị chậm trễ chiếm hơn 80%, thì từ năm 2020 đến nay, con số này giảm xuống còn dưới 1%. Phần lớn hồ sơ cấp sổ đỏ bị chậm trễ hiện nay là do phát sinh vướng mắc khi xác minh. Cụ thể, rất nhiều thửa đất nông nghiệp được người dân đề nghị cấp sổ đỏ nhưng trên đất lại có công trình xây dựng trái phép, phải chờ chính quyền địa phương xử lý dứt điểm công trình vi phạm. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân, ngăn chặn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ, Sở TN-MT tỉnh Bình Định đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, phường, xã nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; kiên quyết xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu.
Ông TRẦN TRUNG CƯỜNG, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi:
Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Việc giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho nhiều người dân bị chậm trễ ở tỉnh Quảng Ngãi như Báo SGGP phản ánh là có. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị tiếp nhận 413.780 hồ sơ, đến nay còn hơn 22.000 hồ sơ tồn đọng, đang xử lý. Riêng năm 2022, tổng số hồ sơ đơn vị tiếp nhận là hơn 171.000 hồ sơ, hiện còn hơn 10.000 hồ sơ chưa giải quyết kịp. Sở dĩ số lượng hồ sơ bị chậm trễ còn nhiều là do những năm gần đây, giá bất động sản trên địa bàn tăng cao, việc mua bán nhà đất nhiều, lượng hồ sơ chuyển đến đơn vị thực hiện đăng ký biến động chủ sử dụng đất, phân lô, tách thửa… tăng đột biến; trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ của đơn vị ở nhiều thời điểm bị quá tải, chậm trễ.
Trước thực tế trên, Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ kinh phí để đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ việc đo đạc; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý tồn tại, chấn chỉnh vi phạm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cũng vừa ký văn bản, yêu cầu sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc thống kê, báo cáo cụ thể từng trường hợp hồ sơ cấp sổ đỏ bị giải quyết chậm trễ; trường hợp nguyên nhân chậm trễ do lỗi chủ quan phải xử lý nghiêm cá nhân, tập thể liên quan. Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo kết quả đến UBND tỉnh trước ngày 30-12-2022.