Phản hồi loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm”: Xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thủ tục hành chính rườm rà là một trong những nguyên nhân gây lãng phí lớn trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Những quy trình phức tạp, không cần thiết làm tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực của nhà nước và người dân, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cảm giác bất bình và nản lòng, cản trở sự phát triển của đất nước.

Ba hậu quả lớn

Thủ tục hành chính rườm rà là quy trình có nhiều bước phức tạp, không cần thiết, gây lãng phí thời gian và nguồn lực. Ví dụ, để mở một doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp phải trải qua nhiều bước như: nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (nếu ngành ăn uống), giấy phép xây dựng (nếu sửa chữa cơ sở) và nhiều bước phê duyệt từ các sở ngành khác nhau. Mỗi bước đều đòi hỏi giấy tờ, thời gian chờ đợi và đi lại nhiều lần giữa các cơ quan hành chính.

Thủ tục hành chính rườm rà gây ra một loạt hậu quả. Đầu tiên là làm tăng chi phí cho cả nhà nước và người dân, bao gồm cả chi phí thời gian (do mất nhiều thời gian để hoàn thành), tài chính và chi phí cơ hội. Thời gian và nguồn lực bị lãng phí vào thủ tục rườm rà có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội đầu tư hoặc kinh doanh. Đó còn là chi phí xã hội do làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống quản lý nhà nước, gây ra cảm giác bất bình.

%5a.jpg
Người dân đến làm thủ tục tại Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HOÀNG BẮC

Hậu quả thứ hai là tạo ra cơ hội cho tham nhũng. Khi quy trình quá nhiều bước, mất thời gian thì người dân và doanh nghiệp cảm thấy áp lực phải “lót tay” để đẩy nhanh tiến độ. Quy định phức tạp, không rõ ràng khiến người thực hiện dễ lạm quyền hoặc giải thích theo ý riêng, tạo cơ hội cho việc đòi hỏi lợi ích cá nhân.

Hậu quả thứ ba là ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp mất nhiều thời gian và nguồn lực để hoàn thành các thủ tục, làm giảm lợi nhuận và tăng chi phí sản xuất. Các dự án đầu tư bị kéo dài do thủ tục phức tạp, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Môi trường kinh doanh thiếu hiệu quả làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào khả năng quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này làm giảm sức cạnh tranh quốc gia và kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật, bao gồm các chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, thường chiếm khoảng 1%-3% GDP. Tuy nhiên, ở những quốc gia có thủ tục hành chính rườm rà và phức tạp, tỷ lệ này sẽ cao hơn.

Để thủ tục không còn “hành là chính”

Với những hậu quả nặng nề như vậy, “cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính” như Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra là rất quan trọng. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để làm được điều này cần áp dụng các biện pháp sau đây.

Thứ nhất là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Triển khai các dịch vụ công trực tuyến giúp giảm bớt sự can thiệp của con người, rút ngắn quy trình xử lý và tăng tính minh bạch.

Thứ hai là cải cách quy định và tinh giản thủ tục: loại bỏ những quy định chồng chéo, không cần thiết và tập trung vào các quy trình chính yếu. Singapore là một điển hình với chiến lược liên tục rà soát và tinh giản thủ tục để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba là tập trung thủ tục vào một cửa, một đầu mối; xây dựng hệ thống dịch vụ hành chính “một cửa” để giảm thiểu sự phân tán và chồng chéo giữa các cơ quan. Chẳng hạn, New Zealand đã triển khai mô hình “one-stop shop” để đơn giản hóa quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Thứ tư là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Trao quyền cho các địa phương và cơ quan cấp dưới trong việc ra quyết định để rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt các tầng nấc trung gian. Nhật Bản đã thành công trong việc phân cấp quản lý, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý hành chính.

Thứ năm là đánh giá hiệu quả thường xuyên. Tiến hành các cuộc đánh giá thường xuyên để xem xét và cắt giảm thủ tục không còn phù hợp. Vương quốc Anh đã thực hiện chiến dịch “Red Tape Challenge” (Thách thức quan liêu) nhằm rà soát và loại bỏ những quy định lỗi thời, không cần thiết. Thứ sáu là tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Những biện pháp trên khi thực hiện đồng bộ sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để và hiệu quả, giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu lãng phí. Làm được như vậy thì thủ tục hành chính sẽ không còn “hành là chính”.

GS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM:

Nắm bắt xu hướng là một cách chống lãng phí

Các nhà đầu tư nước ngoài đang cần những môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó chú trọng các tiêu chí về tăng trưởng xanh, môi trường xanh... Do đó, chúng ta cần nghiêm túc xem xét để không bỏ lỡ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thấy rõ về xu thế phát triển bền vững của thế giới để nhanh chóng có những giải pháp đáp ứng được và thu hút nhà đầu tư. Việc sớm nhận ra và nắm bắt đúng các xu hướng của thế giới là cách tiết kiệm được nhiều công sức trong thu hút đầu tư nước ngoài.

TẤN BA ghi

Tin cùng chuyên mục