Phản hồi loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm”: Cuộc đấu tranh vì sự phát triển bền vững của đất nước

LTS: Loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm” trên Báo SGGP trong tuần qua đã nhận được sự quan tâm tích cực của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, người dân..., bày tỏ bức xúc về tình trạng lãng phí đang hiện hữu ở hầu khắp mọi ngành, lĩnh vực và trong cuộc sống đời thường.

Báo SGGP trích đăng các ý kiến, với mong muốn công cuộc phòng chống lãng phí sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, từ đó hình thành nên văn hóa tiết kiệm, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện như “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

* Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

!5d.jpg

Kiên quyết loại trừ lãng phí

Cho đến nay, nhiều khi chúng ta chưa thấy hết tác hại vô cùng lớn của lãng phí. Trên thực tế, lãng phí vô hình tồn tại trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không giản đơn, dễ nhận biết như lãng phí hữu hình. Lãng phí có khi ngay từ trong quá trình xây dựng pháp luật - luật, nghị định, thông tư vừa ra đời, sức sống chưa bao lâu đã phải điều chỉnh…

Không ít quy định chưa được suy xét cẩn trọng, khó đi vào cuộc sống đã gây ách tắc trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý và làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân, lãng phí thời gian của các bên.

Đặc biệt, việc chậm thực thi, thậm chí không thực thi nhiều quyết sách - nhất là một số dự án mang tầm quốc gia có tính đột phá cho sự phát triển của đất nước, cũng là lãng phí. Đây là sự lãng phí gây ra tổn thất vô cùng to lớn, vô hình về nhiều mặt, mà không mấy ai chịu trách nhiệm. Trong chống lãng phí, đây là điều cần xem xét nghiêm túc, rút ra những bài học từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo cho đến việc tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dư luận xã hội để không bỏ lỡ những cơ hội lịch sử trong tương lai.

Trong thời gian dài, chúng ta chưa thực sự hành động chống lãng phí với những giải pháp quyết liệt như phòng, chống tham nhũng. Lãng phí thực sự là hiểm họa của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ. Điều đó càng bức thiết hơn khi chúng ta đang tập trung toàn lực để bước vào kỷ nguyên mới, nỗ lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Chống lãng phí chính là cuộc đấu tranh vì sự phát triển bền vững của đất nước.

* Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Anh4-Bà Trương Thị Ngọc Ánh 2.jpg

Đánh giá nguyên nhân chính gây lãng phí

Trong tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân bày tỏ trăn trở về tình trạng đầu tư công chậm giải ngân; công tác quản lý và nghiên cứu khoa học còn bất cập, lãng phí; việc tổ chức khai trương, khánh thành, lễ kỷ niệm gây lãng phí lớn ngân sách vẫn diễn ra… Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả để phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Đồng thời, cử tri mong xử lý nhiều nội dung cụ thể để tránh lãng phí. Đó là phương án bố trí, sử dụng trụ sở, công sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa kịp thời, gây lãng phí ở nhiều địa phương; rất nhiều khu đất là dự án, khu biệt thự, nhà tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước…

Cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số bảo đảm liên thông, đồng bộ giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương. Bởi thực tế, nhiều lúc, nhiều nơi chưa liên thông, chưa đồng bộ và còn bị gián đoạn, trục trặc gây khó khăn, lãng phí thời gian của người dân.

* Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:

Anh6-ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA.jpg

Lãng phí thời gian vẫn là vấn đề lớn

Mặc dù chúng ta đã đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề lãng phí một cách toàn diện. Lãng phí không chỉ xuất hiện ở khía cạnh vật chất mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khu vực công, lãng phí vốn đầu tư công là một ví dụ điển hình. Chúng ta có thể dễ dàng thấy nhiều công trình, dự án sau khi xây dựng xong không được sử dụng hiệu quả.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc chúng ta không tính toán kỹ lưỡng khi triển khai dự án, dẫn đến tình trạng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa. Ngoài ra, lãng phí còn xảy ra trong cách sử dụng tài sản công. Ví dụ, các trụ sở của các cơ quan trung ương sau khi chuyển đến địa điểm mới không bàn giao lại trụ sở cũ, khiến những cơ sở này bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một thực trạng phổ biến ở một số địa phương, nơi có trụ sở các cơ quan trung ương.

Trong khu vực đầu tư công, lãng phí cũng xuất hiện khi các công trình xây dựng có tuổi thọ ngắn, thường phải sửa chữa sau một thời gian ngắn sử dụng do chất lượng kém. Đặc biệt, lãng phí thời gian vẫn là vấn đề lớn. Quá trình phê duyệt, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian, gây chậm trễ và lãng phí cơ hội phát triển.

Về vấn đề quản lý cán bộ và bộ máy nhà nước, hiện tại chúng ta đang gặp phải tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhiều nhân lực có tài năng, được đào tạo bài bản, không lựa chọn khu vực công để cống hiến mà chuyển sang khu vực tư, nơi có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Điều này khiến khu vực công mất đi một nguồn lực lớn từ những người giỏi và có năng lực, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.

Để giải quyết vấn đề này, việc cải thiện chính sách lương, môi trường làm việc và các chế độ đãi ngộ trong khu vực công là rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh các dự án đầu tư công đang tiêu tốn nguồn lực lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả tương xứng, việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản và dự án, cùng với cải cách chế độ đãi ngộ cho cán bộ là những giải pháp cần được thực hiện ngay lập tức.

* TS VŨ XUÂN THANH, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ:

Anh7-TS Vũ Xuân Thanh.jpg

Đẩy mạnh phân cấp

Phân cấp là một trong những phương thức hiệu quả để giải phóng mọi tiềm năng, phục vụ cho sự phát triển địa phương, đất nước. Nếu chậm phân cấp, đụng đến việc là phải báo cáo xin ý kiến thì đồng nghĩa với lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ triển khai công việc.

Trên địa bàn TPHCM, việc thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM thời gian qua đã giúp tăng tính tự chủ, rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai cho thấy còn những bất cập, như một số nội dung đã được phân cấp cho địa phương nhưng vẫn quy định khi thực hiện phải báo cáo xin ý kiến của bộ, ngành.

Chưa kể, trung ương phân cấp cho TPHCM được thể hiện trong nhiều nghị định, thông tư nên rất khó xác định nhiệm vụ, quyền hạn nào đã được phân cấp và cần sự đồng ý của trung ương nếu TPHCM tiếp tục phân cấp cho cấp huyện trực thuộc.

Nguyên nhân của những tồn tại trên, trước hết là do các văn bản pháp luật ngoài Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131 chưa được điều chỉnh hệ thống, đồng bộ; chưa có những quy định cụ thể về hỗ trợ, chưa có những cơ chế đặc thù cho việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị.

Bên cạnh đó, quan điểm, nhận thức về các chủ trương, giải pháp phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền các cấp chưa rõ ràng, rành mạch, thiếu nhất quán, có thể do lo ngại phân cấp mạnh dẫn đến cục bộ, tản quyền.

Hiện hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa giải quyết triệt để quan hệ phân cấp và thiếu tính ổn định. Do đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị. Việc xác định một số chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương cần được tiến hành theo hướng từ dưới lên. Mỗi việc chỉ do một cấp chính quyền thực hiện.

Tin cùng chuyên mục