Phản hồi loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm”: Công trình hoang phế - Lãng phí cả ước mơ và kỳ vọng

Loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm” trên Báo SGGP đã nhận được sự quan tâm tích cực của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, người dân. Đối với các thiết chế văn hóa, thông điệp này có ý nghĩa sâu sắc bởi không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo nên những không gian sống động, gắn kết cộng đồng, góp phần lan tỏa văn hóa tiết kiệm và phát triển bền vững.

Nhà văn hóa - những “công trình hoang”

Ở nhiều tỉnh thành, nhà văn hóa cộng đồng, nhà thi đấu thể thao, nhà văn hóa thôn, xã được xây dựng với ngân sách lớn, nhưng thiếu sự khai thác đúng cách. Nhiều công trình bị bỏ trống hoặc chỉ mở cửa trong vài sự kiện rồi khóa lại, trở thành những “công trình hoang”, minh chứng buồn cho sự lãng phí. Những công trình này, lẽ ra có thể trở thành không gian sống động và thân thuộc, là nơi gặp gỡ, sinh hoạt và gắn bó của người dân địa phương. Chính sự thiếu kế hoạch và tầm nhìn trong việc duy trì và khai thác các thiết chế văn hóa đã khiến chúng xa rời cộng đồng.

&5c.jpg
Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: CTV

Xây dựng được một công trình đã khó, nhưng duy trì giá trị tinh thần và văn hóa còn khó hơn. Nếu những thiết chế văn hóa này được xây dựng và quản lý dựa trên nhu cầu thực tế, chúng sẽ là trung tâm thu hút, là nơi cộng đồng gặp gỡ và tạo dựng nên những mối liên kết bền chặt. Khi chúng chỉ còn là những khối bê tông vắng lặng, bỏ trống nhiều năm, giá trị tinh thần của chúng cũng hao mòn cùng thời gian. Lãng phí không chỉ hiện diện trong từng viên gạch bỏ không mà còn trong từng ước mơ xây dựng những không gian nuôi dưỡng văn hóa cộng đồng, tinh thần thể thao. Có những công trình lẽ ra đã trở thành không gian sống động, là trung tâm thu hút và là biểu tượng của văn hóa, tinh thần địa phương thì giờ đây chỉ còn là nơi kể lại câu chuyện về những kỳ vọng đã bị lãng phí.

Lãng phí trong quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa ở Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố, từ chính sách chưa đồng bộ, pháp luật thiếu chặt chẽ cho đến đầu tư không hợp lý và nguồn nhân lực còn hạn chế. Các chính sách phát triển thiết chế văn hóa đôi khi thiếu nhất quán và chưa hiệu quả, dẫn đến việc nhiều công trình văn hóa được xây dựng nhưng không có chiến lược rõ ràng về khai thác và vận hành. Điều này không chỉ làm mất giá trị văn hóa mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên và ngân sách công.

Vướng về cơ chế khiến nhiều thiết chế văn hóa trước đây hoạt động rất tốt thì giờ đây cũng phải ngậm ngùi dừng các hoạt động liên doanh, liên kết. Không hoạt động, không thu nhập thêm, không kinh phí để bảo dưỡng, duy trì cơ sở vật chất... đã khiến cho đầu tư của Nhà nước cho các thiết chế văn hóa trở nên không hiệu quả.

Không để chống lãng phí chỉ là mục tiêu trên giấy!

Chống lãng phí trong quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa là mong mỏi lớn lao của cả xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng lãng phí, cần có những giải pháp đột phá và thực tế, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm của người làm quản lý. Những giải pháp này phải khơi dậy được sự quan tâm và gắn bó của cộng đồng, tạo nên mối dây kết nối thực sự giữa văn hóa, đời sống người dân.

Một trong những giải pháp trọng tâm là cần xây dựng một hệ thống chính sách nhất quán, chặt chẽ và dễ hiểu, giúp những người quản lý các thiết chế văn hóa không gặp bối rối trong triển khai và vận hành công trình. Cùng với việc hoàn thiện chính sách, việc tập trung đầu tư vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là một giải pháp lâu dài và hiệu quả. Một đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm và có tầm, giàu năng lực sáng tạo và hiểu được giá trị của những công trình mình đang quản lý sẽ góp phần chuyển tải, lan tỏa và gắn kết văn hóa với cuộc sống hiện đại. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là cần thiết để không ngừng nâng cao năng lực của cán bộ văn hóa, đồng thời xây dựng tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào khi được phục vụ cho một mục tiêu ý nghĩa lớn lao của quốc gia.

Cùng đó, cũng cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các thiết chế văn hóa với các ngành giáo dục, du lịch để công trình văn hóa không còn lẻ loi, đứng ngoài dòng chảy cuộc sống. Khi thiết chế văn hóa thực sự hòa mình vào đời sống cộng đồng, phục vụ nhu cầu cả về tri thức lẫn tinh thần của người dân, chúng sẽ trở nên gần gũi và ý nghĩa hơn. Đó còn là cách để xây dựng một nền văn hóa sống động, gắn kết, đem lại niềm tự hào cho mọi người. Cộng đồng cũng cần được xem là một thành tố quan trọng trong việc duy trì, phát triển và bảo tồn các thiết chế văn hóa. Khi người dân không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ nhân và người đồng hành, họ sẽ có ý thức trân trọng và giữ gìn các thiết chế văn hóa tại địa phương mình.

Giải quyết lãng phí trong quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa ở Việt Nam không phải là bài toán dễ dàng, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sự tham gia của toàn xã hội thì mới có thể xây dựng một nền văn hóa đẹp về hình thức, giàu về nội dung, lan tỏa giá trị thực tiễn đến mọi miền Tổ quốc.

Bít “mạch ngầm” lãng phí

Nếu như tham nhũng, một khi được “điểm mặt, chỉ tên” là tội phạm, sẽ bị xử lý nghiêm khắc; thì lãng phí - nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn hơn rất nhiều, thường chỉ bị coi là “khuyết điểm”, rất ít bị kết án, dù Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí 2013 đã có hiệu lực 10 năm nay. Đó là bởi nhận diện lãng phí và nhất là truy đến cùng ngọn nguồn trách nhiệm để xảy ra lãng phí, khó hơn rất nhiều. Đằng sau những nhà đất, công trình bị bỏ hoang, hiệu quả sử dụng kém… dễ nhận thấy là còn có những sự lãng phí khổng lồ, không đo đếm được.

Liên tiếp tại một số kỳ họp gần đây, tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu rõ: lãng phí hữu hình chỉ là “bề nổi của tảng băng”! Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, một trong những tư tưởng chính khi sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là Nhà nước không can thiệp hành chính, trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp; xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước...

Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của dự thảo luật, như Điều 25, cho thấy, doanh nghiệp phải bảo đảm rất nhiều việc, nhưng việc gì cũng phải... đi xin ý kiến! Luật đã vậy, nhưng khuôn khổ pháp luật mà doanh nghiệp phải tuân theo đâu chỉ có luật. Hệ thống nghị định, thông tư, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới là “sát sườn”. Quá trình thực hiện tất nhiên còn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đáng nói.

Cũng tại nghị trường, cách đây tròn 1 năm, khi giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nhiều ĐBQH tiếp tục trăn trở với thực trạng “lãng phí niềm tin” - vốn đã được đề cập từ kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV. Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhận được nhiều ý kiến đồng tình khi nhấn mạnh, bên cạnh “lãng phí niềm tin”, còn có một sự lãng phí khác: lãng phí trách nhiệm. Đơn cử như một số bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ khiến cho một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động của bệnh viện công lập khó có thể thực hiện đúng lộ trình. Ngoài ra, việc không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế ở nhiều bệnh viện công, gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, đã và đang ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân.

Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, tình trạng nhức nhối về lãng phí tiếp tục được nhìn nhận là chưa thể giải quyết dứt điểm, dù đã được nêu rõ trong các báo cáo phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm. Song, phải nhìn nhận còn do nhiều nguyên nhân mà tinh thần trách nhiệm không được phát huy, bị “lãng phí” và từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường cho xã hội và đất nước.

Vì vậy, muốn chống lãng phí đạt được hiệu quả lâu bền thì phải đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành văn hóa tự giác, tự nguyện. Không chỉ trong các cơ quan, tổ chức, mà mỗi người đều cần biết quý trọng, chắt chiu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân.

BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục