Phản hồi loạt bài “Hàng loạt dự án bệnh viện... mắc kẹt”: Cần hài hòa lợi ích các bên

Sau khi đăng loạt bài "Hàng loạt dự án bệnh viện... mắc kẹt" (từ ngày 1 đến 2-12), đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, TPHCM và một số đơn vị liên quan đã bày tỏ ý kiến đồng tình đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án. 
Dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2) thành nơi đổ rác thải, bị lấn chiếm dựng nhà tạm trong diện tích đã đền bù giải tỏa. Ảnh chụp chiều 2-12
Dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2) thành nơi đổ rác thải, bị lấn chiếm dựng nhà tạm trong diện tích đã đền bù giải tỏa. Ảnh chụp chiều 2-12

Không nên dời sang vị trí khác

Liên quan tới dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2) tại khu 6A, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh Lôi Đại Phong cho hay, văn bản số 1064 của UBND TPHCM ngày 12-3-2010 đã cho phép xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM (cơ sở 2) và Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao tại khu 6A, ấp 4B, xã Bình Hưng, Bình Chánh, trên tổng diện tích 52.101m2, trong đó 40.859m2 diện tích bồi thường và trên 11.100m2 đất, kênh rạch do Nhà nước quản lý. UBND TPHCM là cơ quan ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư - Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa.

Đến nay, Tổng công ty đã nhận mặt bằng trống của 35/62 hộ dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tương đương gần 27.300/40.859m2 (đạt 74,23% tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng). Còn 27 hộ dân chưa chấp thuận mức đền bù giải tỏa. 

“Vấn đề đền bù giải tỏa 27 hộ dân còn lại chậm do vướng mắc về nền tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong 27 hộ có 11 hộ không đủ điều kiện bồi thường đất ở do xây dựng sau ngày 30-6-2004”, ông Phong cho biết và đề xuất: “Việc đền bù giải tỏa 27 hộ còn lại sẽ tháo gỡ được khi thành phố chỉ đạo sở ngành liên quan quyết liệt hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ với huyện, dự kiến hết quý 1-2023, ban sẽ hoàn tất công tác bố trí tái định cư đối với các trường hợp đủ điều kiện và những hộ không đủ điều kiện, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng vừa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp”.

Giải ngân gần 800 tỷ đồng đền bù giải tỏa dự án

Liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm y tế Tân Kiên (giai đoạn 2 - khu 21,71ha) và dự án quy hoạch mở rộng khu đất 19,45ha Cụm y tế Tân Kiên, UBND TPHCM chỉ đạo huyện Bình Chánh lên phương án đền bù và tái định cư cho các hộ dân trong khu đất 19,45ha theo đơn giá mới, gồm các dự án: Trung tâm đào tạo nhân lực theo yêu cầu (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Bệnh viện thực hành 500 giường (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Bệnh viện chuyên khoa sâu đông y 200 giường, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Cột sống...

Ngày 8-7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TPHCM đã quyết nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm Y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Điều chỉnh chủ đầu tư từ Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế TPHCM sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM. Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh từ 400 tỷ đồng thành hơn 1.198,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.

Đến ngày 15-11, huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 12080/QĐ-UBND về phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm y tế Tân Kiên (giai đoạn 2 - khu 21,71 ha) với tổng kinh phí hơn 798,616 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ trên 775 tỷ đồng và trên 15 tỷ đồng chi phí phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; dự phòng phí gần 7,6 tỷ đồng.

Ngày 1-12, thành phố đã chuyển toàn bộ số tiền trên cho huyện Bình Chánh. Ngay sau khi được cấp kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, trong tuần đầu tháng 12, huyện tổ chức niêm yết công khai Quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề tại trụ sở UBND các xã Tân Kiên, Tân Nhựt và tại trụ sở văn phòng Ban nhân dân ấp nơi có đất bị thu hồi. UBND các xã Tân Kiên, Tân Nhựt cũng thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh của xã. Ban phấn đấu hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán 2023.

Bà LÊ THỊ THÙY TRANG, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa:


Mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án

Từ năm 2011, TPHCM đã có công văn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trong 10 năm qua, chúng tôi đã từng bước thực hiện tất cả các quy trình để có thể triển khai dự án bao gồm các thủ tục pháp lý, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở… Đơn vị đã trình thẩm định, Sở KH-ĐT TPHCM đã phê duyệt thẩm định từ tháng 5-2018. Tuy nhiên, đến nay Báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn chưa được phê duyệt.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã được thực hiện. Cụ thể, đơn vị đã triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng cho 62 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng, tương ứng 90% ngân sách giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, đã chi phí để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án như chi phí tư vấn, thiết kế, quản lý dự án và các nguồn lực đầu tư khác. Ở vai trò là đơn vị đối tác đầu tư, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để triển khai dự án, xuất phát từ việc muốn đóng góp cho thành phố một công trình bệnh viện hiện đại, khang trang, phục vụ người dân.

Với đề xuất của Sở Y tế TPHCM về việc thay đổi địa điểm xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị đối tác đầu tư, các hộ dân trong diện đền bù giải tỏa. Rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí mà chúng tôi đã tâm huyết thực hiện trong gần 12 năm qua cần được xem xét và ghi nhận. Chúng tôi vẫn có nguyện vọng và mong muốn được tiếp tục triển khai dự án với chủ trương đã phê duyệt và thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.


BS CKII NGUYỄN ĐĂNG KHOA, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM:


Ngóng đợi từng ngày triển khai xây mới bệnh viện

Sau khi nắm được những khó khăn, tồn tại của bệnh viện, UBND TPHCM đã chỉ đạo cấp trước cho đơn vị 50 tỷ đồng nhanh chóng sửa chữa tại cơ sở nội trú Lê Minh Xuân. Bệnh viện cũng nhận được thông báo về việc thành phố đã thông qua kế hoạch mở rộng cơ sở nội trú Lê Minh Xuân lên 1.000 giường trên tổng diện tích khoảng 13ha. Hiện bệnh viện đang phối hợp với Sở Y tế TPHCM và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM soạn công văn nói lên tính cấp thiết của việc mở rộng cơ sở nội trú Lê Minh Xuân để xúc tiến việc này. Xây mới bệnh viện là việc chúng tôi mong mỏi từng ngày.

Tin cùng chuyên mục