Khuyến khích doanh nghiệp tài trợ nghiên cứu KHCB
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên thành viên Ủy ban đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2018-2021, xu hướng thế giới phát triển ngành học KHCB là nghiên cứu liên ngành, do nhu cầu đòi hỏi chuyên môn của các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực. Điều này đã dẫn đến việc thành lập các trung tâm và chương trình nghiên cứu liên ngành, cũng như tạo ra các lĩnh vực nghiên cứu mới nối liền ranh giới kỹ thuật truyền thống.
Xu hướng thứ hai là khoa học dữ liệu và phân tích. Sự bùng nổ dữ liệu trong những năm gần đây đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với các nhà khoa học có kỹ năng về khoa học dữ liệu và phân tích. Hợp tác giữa trường đại học (ĐH) với các ngành kinh tế là một hướng đi hiện nay để đẩy nhanh nghiên cứu KHCB và biến các khám phá khoa học thành các ứng dụng trong thế giới thực. Những sự hợp tác này giúp thu hẹp khoảng cách giữa trường ĐH và ngành kinh tế, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên và nhà nghiên cứu có được kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực của họ.
Đặc biệt, xu hướng hiện nay chú trọng ưu tiên nghiên cứu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý hệ sinh thái. Xu hướng này phản ánh sự công nhận ngày càng tăng về việc KHCB có một vai trò quan trọng trong giải quyết một số thách thức cấp bách nhất mà hành tinh phải đối mặt. Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi các ý tưởng tạo ra cộng đồng KHCB gắn bó với nhau.
Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của KHCB nên chính phủ cần có chính sách tăng đầu tư cho giáo dục KHCB. Ngoài ra, chính phủ nên có chính sách ưu đãi cho những sinh viên chọn học các ngành KHCB; hỗ trợ hợp tác nghiên cứu để thúc đẩy sự đổi mới và cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm nghiên cứu có giá trị. Những sự hợp tác này cũng có thể giúp tạo cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực KHCB. Đồng thời, Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu KHCB hoặc yêu cầu doanh nghiệp tài trợ cho nghiên cứu KHCB như một điều kiện kinh doanh.
Sinh viên ngành Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành |
Xác định mũi nhọn trong đào tạo và nghiên cứu KHCB
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Cạnh tranh giáo dục ĐH đang diễn ra mạnh mẽ. Trong bối cảnh tự chủ khi chưa có sự đồng bộ giữa các chính sách, dẫn đến trường công lập đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với các ngành KHCB. Nếu không có sự quan tâm kịp thời thì trường công lập khó có thể duy trì và phát triển các ngành đào tạo này.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan cho rằng, Nhà nước cần xác định các mũi nhọn trong đào tạo và nghiên cứu ngành KHCB, cần có cơ chế “đặt hàng” trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với các ngành KHCB quan trọng mang tính nền tảng, như các ngành khối tự nhiên (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý tự nhiên, Khí tượng và Khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học, Tài nguyên và Môi trường nước, Khoa học môi trường, Khoa học vật liệu....) và khối xã hội - nhân văn (Lịch sử, Tôn giáo học, Văn học, Địa lý học, Nhân học/Dân tộc học, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học, Hán Nôm, Khảo cổ học...); những chương trình trọng điểm quốc gia về KHCB; đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực trong nghiên cứu và công bố quốc tế…
Đội ngũ cán bộ khoa học là yếu tố then chốt
Trong khi đó, theo TS Ngô Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong xu thế hội nhập quốc tế, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nói chung và đội ngũ cán bộ khoa học các ngành KHCB nói riêng là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia, mỗi nhà trường vì đội ngũ này là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học được xem là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó cần quan tâm, đầu tư đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ khoa học các ngành KHCB.
Về mặt chính sách đãi ngộ, TS Ngô Thị Kiều Oanh cho rằng, cơ quan quản lý các cấp cần nghiên cứu để có chính sách tương xứng với đặc thù các ngành KHCB, có chế độ phụ cấp phù hợp, tạo động lực cho giảng viên các ngành khoa học này yên tâm, gắn bó và cống hiến. Cùng với đó, cần quan tâm, tạo môi trường làm việc để giữ chân nhân tài, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ khoa học có thể yên tâm cống hiến. Cùng với khuyến khích bằng lợi ích vật chất thì đãi ngộ về mặt tinh thần là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý giảng viên…
Như vậy, một mặt cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù từ các cấp quản lý nhưng bản thân nhà trường, các đơn vị đào tạo có ngành KHCB phải tự điều chỉnh, tự đổi mới, có giải pháp cụ thể. Thay vì đào tạo đơn ngành, ngành hẹp thì cần phải đa ngành, xuyên lĩnh vực, liên thông, liên ngành các chương trình đào tạo để không chỉ mở rộng cơ hội việc làm cho người học mà chính bản thân các giảng viên thuộc các ngành KHCB cũng có thêm cơ hội việc làm, giảm bớt khó khăn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế…
* PGS-TS HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ đề xuất các giải pháp
Vấn đề Báo SGGP phản ánh là vấn đề lớn, không đơn thuần nằm ở chính sách của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đó, Bộ GD-ĐT sẽ có đề xuất với Chính phủ các giải pháp để phát triển nhân lực các ngành KHCB (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn).
* PGS-TS PHẠM BẢO SƠN, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: KHCB là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ
KHCB luôn là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ ở mỗi quốc gia. Thông điệp từ Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2022 cũng đã chỉ ra: thế giới cần nâng tầm trong việc phát triển KHCB để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững đề ra từ Chương trình nghị sự 2030. Ở nước ta, vai trò của KHCB đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 30-10-2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng. Quan tâm nghiên cứu cơ bản có trọng điểm; ưu tiên một số lĩnh vực khoa học mà Việt Nam có lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.
Vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cùng các nhà khoa học, nhà quản lý của các trường ĐH khác trên cả nước cũng đã thảo luận và trao đổi về thực trạng đào tạo, nghiên cứu của các ngành KHCB hiện nay. Những ý kiến và trao đổi sẽ được ban tổ chức tập hợp và sẽ có bản kiến nghị, đề xuất những giải pháp tầm quốc gia để phát triển các ngành KHCB trong thời gian tới.
* TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Phải đầu tư cho cả thầy và trò
Có 3 nguyên nhân khiến các ngành KHCB hiện nay kém sức hút: KHCB là những ngành học khó về kiến thức và kỹ năng, trong khi đó hiện nay sinh viên có xu hướng chọn những ngành học dễ dàng; người học khi chọn ngành học thường có suy nghĩ chọn những ngành ứng dụng, dễ dàng xin việc, lương cao; lĩnh vực việc làm của ngành KHCB tương đối hẹp, lương và các chế độ khi ra trường đi làm cũng chưa tương xứng với quá trình học. Từ thực tế đó, tôi cho rằng phải đầu tư cho cả thầy và trò để yên tâm với việc học và nghiên cứu sâu. Cốt lõi nhất vẫn là việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp. Những ngành này không cần tuyển nhiều, nhưng cần người giỏi, do đó cần có cơ chế để họ yên tâm làm việc.