Phản hồi bài viết “Long An: “Băm nát” ruộng lúa làm ao nuôi tôm nước mặn”: Thành lập tổ thanh tra các vấn đề liên quan

Báo SGGP số ra ngày 27-8 có bài viết “Long An: “Băm nát” ruộng lúa làm ao nuôi tôm nước mặn”, phản ánh vùng Đồng Tháp Mười (Long An) là vùng ngọt, được quy hoạch trồng lúa, rau màu.

Thế nhưng thời gian gần đây, hàng trăm hécta đất ruộng bị nhiều cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng, khoan giếng tầng sâu, lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Sau khi báo đăng, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm đào ao, nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, tuy nhiên công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, một số địa phương, đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm.

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh, UBND tỉnh Long An đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đào ao mới phát sinh, buộc trả lại hiện trạng ban đầu.

UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Long An thành lập ngay tổ thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng; kiểm tra tình trạng khoan giếng, gây ô nhiễm môi trường, khi phát hiện vi phạm phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt, cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, qua rà soát, toàn vùng Đồng Tháp Mười hiện có hơn 522ha nuôi tôm, trong đó huyện Mộc Hóa chiếm phần lớn với hơn 280ha. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, UBND huyện Mộc Hóa đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 77 trường hợp tự ý đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục