Khu Bảo tồn là nơi cư trú và di trú của nhiều loại động vật quý hiếm như voi, bò tót, các loài linh trưởng hay các nhóm vượn đen má vàng - những nhóm động vật vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi môi trường - đang sinh sống và kiếm ăn, sinh sản; nhiều loại gỗ quý nhằm phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học và trước đây còn là vùng căn cứ cách mạng.
Ngoài ra, việc làm này còn vi phạm Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học (Công ước CBD), mà Việt Nam đã chính thức gia nhập từ năm 1994, là công ước về đa dạng sinh học có mục tiêu phát triển các chiến lược quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với sự tham gia ký kết của 196 quốc gia.
Việc xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do Khu bảo tồn đang quản lý. Cùng với đó, việc người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố công khai “đóng cửa rừng” vì đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ không chỉ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng mà còn từ nhiều năm trước đó.
Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 1527/QĐ- UBND phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Khu bảo tồn, trong đó nêu rõ mục tiêu di dời và ổn định dân cư 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm trong vùng lõi của Khu bảo tồn; đầu tư tuyến đường ven hồ Trị An đi đến thay thế tuyến đường ĐT 761 xuyên qua vùng lõi.
Nếu xây dựng dự án tuyến quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi của Khu bảo tồn chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, làm suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, nhất là không còn đảm bảo các tiêu chí theo chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO, không chỉ UNESCO sẽ rút danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, mà còn dẫn tới nguy cơ mất danh hiệu Vườn Di sản ASEAN và Ramsar.
TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước: Không nên “hy sinh” rừng tự nhiên để mở đường Hiện theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước còn hơn 9 triệu ha rừng tự nhiên, trong số đó diện tích rừng có chất lượng tốt, gọi là “rừng giàu” chỉ còn khoảng hơn 5%. Giàu ở đây là giàu về trữ lượng gỗ, giàu về đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng còn khá ổn định. Hơn 70% diện tích rừng tự nhiên của nước ta là rừng có chất lượng xấu, gọi là “rừng nghèo” gồm cả rừng “nghèo kiệt”. Nguy hiểm nhất là nghèo về năng lực phòng hộ đầu nguồn của rừng, năng lực hạn chế thiệt hại của lũ quét, lũ ống mà rừng trồng không thể thay thế được. Nhưng người ta vẫn muốn “hy sinh” rừng tự nhiên nghèo cho mục đích phát triển kinh tế. Nghĩa là số lượng rừng còn suy giảm và chất lượng rừng còn suy thoái nữa trong khi thiên tai và biến đổi khí hậu luôn được nhắc nhở rằng còn nguy hại hơn. Chưa có một nghiên cứu nào đánh giá xem hàng năm thiệt hại do mưa, lũ ở miền Trung, Tây Nguyên gây ra cho người dân và xã hội có liên quan gì đến con số suy giảm và suy thoái về số lượng và chất lượng rừng tự nhiên không để giúp cho cấp thẩm quyền xem xét trước khi quyết định “hy sinh” rừng tự nhiên. Do đó, không nên “hy sinh” rừng tự nhiên cho mục đích mở đường xuyên lõi Khu bảo tồn như dự kiến mà hãy điều chỉnh hướng tuyến để làm sao có cầu, có đường để phát triển kinh tế mà vẫn giữ được hệ sinh thái rừng. |