Nếu xây dựng con đường xuyên qua một khu rừng, sẽ là một lựa chọn đau lòng vì phải chấp nhận sự tác động đến môi trường. Do đó, phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo, có nên đặt lợi ích kinh tế trước mắt là rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước đến sân bay Long Thành mà bắt buộc phải làm đường đi qua vùng lõi khu bảo tồn. Theo quan điểm của tôi, không xây dựng cầu mới, không làm đường kết nối đi xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Xét trên cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, nếu làm tuyến đường xuyên khu bảo tồn là vi phạm. Đó là vi phạm quy định về các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; vi phạm các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn... Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có các nhóm thú lớn như voi châu Á, bò rừng, các nhóm vượn đen má vàng… nhạy cảm với sự thay đổi môi trường sống.
Có thể nói, ý định làm quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu bảo tồn nói trên sẽ tác động xấu đến môi trường và sẽ phải trả một giá đắt cho cuộc sống của con cháu mai sau và đời sống muôn loài. Hơn nữa, khu dự trữ sinh quyển còn là căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Khu rừng xanh là biểu tượng của một nền văn hóa lịch sử lâu đời, truyền thống vẻ vang mà các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do. Ở mỗi một gốc cây rừng, một con suối, một tảng đá đều in dấu chân những người anh hùng vô danh thầm lặng ngã xuống tô thắm màu cờ Tổ quốc.
Chúng ta cũng chưa quên bài học về mở quốc lộ 27C nối TP Nha Trang (Khánh Hòa) với TP Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 121km đi từ Đà Lạt đến huyện Lạc Dương, qua điểm cao Hòn Giao (1.800m), rồi đổ theo 33km đường đèo xuống Nha Trang. Con đường nối “biển và hoa” được khởi công năm 2004, được ví như một “nhát dao” xuyên tim Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà. Đây là khu rừng già nguyên sinh trên núi cao, đa dạng sinh học, là hệ sinh thái hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim, có những loài cây đặc hữu vô cùng quý hiếm.
Phía tỉnh Đồng Nai đã trân trọng những giá trị của rừng tự nhiên và mối liên hệ với đời sống con người cho nên từ rất sớm (vào năm 1996) đã “đóng cửa rừng”, nỗ lực đầu tư giữ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có cũng như phục hồi rừng và môi trường tự nhiên ở các vùng bị suy thoái môi trường do chiến tranh. Ngày nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là một di sản của nhân loại, khu rừng đã được bảo vệ rất tốt và là niềm tự hào của toàn thể người dân Đồng Nai và miền Đông Nam bộ. Trước đây, trong 3 năm (2010-2013), UBND tỉnh Đồng Nai kiên quyết phản đối việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6a trên dòng chính vùng thượng nguồn sông Đồng Nai (xã Đồng Nai thượng và xã Phước Cát 2) chỉ vì lo sợ những mất mát môi trường và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Vì vậy, cần nhìn nhận kỹ và đừng quên những bài học về bảo vệ môi trường thiên nhiên của chính chúng ta khi xây dựng tuyến đường đi xuyên vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.