Người dân phải khai đúng giá
PHÓNG VIÊN: Nhiều người nghĩ rằng có quyền khai giá bao nhiêu cũng được, vì quy định cho phép cơ quan thuế được áp khung giá nhà nước để tính thuế, nếu người dân khai thấp hơn khung giá nhà nước. Vậy tại sao cơ quan thuế lại ngăn chặn các hồ sơ khai giá thấp, thưa ông?
Ông THÁI MINH GIAO: Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng BĐS kê khai với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế. Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, trong quá trình giải quyết hồ sơ, công chức thuế sẽ căn cứ trên các thông tin thu thập được để đánh giá sự phù hợp của mức giá kê khai với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Trên cơ sở đó xác định trường hợp rủi ro cao về thuế để yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Vậy cơ quan thuế có quyền ngăn chặn hồ sơ giá thấp hơn khung nhà nước không, thưa ông?
Trường hợp người nộp thuế kê khai giá thấp và cam kết đây là giá thực tế trên hợp đồng chuyển nhượng, cơ quan thuế sẽ giải quyết hồ sơ theo chức năng, ra thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân với cá nhân chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế, quà tặng là BĐS và thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất trên cơ sở mức giá kê khai, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để hậu kiểm, xác minh hồ sơ khai thuế.
Nếu vậy, cơ sở nào nhiều hồ sơ bị chặn lại, thưa ông?
Hiện Tổng cục Thuế cũng đã có công văn số 414/TCT-DNNCN chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan đến giá chuyển nhượng trên địa bàn để rà soát, kiểm tra đối với các hồ sơ đã xử lý nhưng vẫn thuộc trường hợp rủi ro cao, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các bên có trách nhiệm khai đúng, thu đủ
Theo quy định, cơ quan nhà nước phải chứng minh người dân khai không đúng sự thật, nhưng vừa qua, cơ quan thuế trả hồ sơ hàng loạt dù chưa chứng minh được người dân khai sai, ông nói sao về điều này?
Khi nhận thấy hồ sơ khai thuế có dấu hiệu rủi ro, để chống thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo tuân thủ các chính sách pháp luật, cơ quan thuế sẽ có thư mời người nộp thuế lên làm việc để giải trình về hồ sơ khai thuế.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp người nộp thuế không phối hợp với cơ quan thuế giải trình về hồ sơ khai thuế dẫn đến thiếu căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ đề nghị Phòng đăng ký đất đai xác định hoặc bổ sung thông tin theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
Cục Thuế TPHCM có kiến nghị gì để hoàn chỉnh quy định pháp luật nhằm chống thất thu thuế, để ngành thuế không phải vất vả giải quyết từng hồ sơ sự vụ như hiện nay?
Để quản lý thuế hiệu quả, ngoài việc cần có các quy định chặt chẽ, thống nhất của các văn bản pháp luật về thuế, về đất đai, kinh doanh BĐS, về hoạt động công chứng… thì công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan phải được tăng cường. Thời gian tới, Cục Thuế TPHCM sẽ tích cực tham mưu, phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện đề án tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS. Trong đó thực hiện 5 nội dung chủ yếu gồm: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, UBND; tăng cường công tác quản lý thuế; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và bộ tiêu chí rủi ro, phân tích rủi ro.