Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc xử lý, chấn chỉnh tình trạng biến tướng của xe hợp đồng, ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, cho biết:
Theo chức năng, nhiệm vụ, thanh tra giao thông (TTGT) thường xuyên tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng liên quan thanh tra, kiểm tra độc lập để xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vẫn có một số khó khăn, vướng mắc như khi phát hiện hành vi dừng, đậu xe không đúng quy định - chờ lên xuống khách hoặc chờ tài - các tài xế đối phó bằng cách để xe nổ máy, bật đèn xi nhan hoặc đèn khẩn cấp, ngồi tại ghế tài xế và khi phát hiện lực lượng chức năng tài xế điều khiển xe chạy, trong khi TTGT không có chức năng rượt đuổi phương tiện như cảnh sát giao thông.
Mặt khác, cũng không loại trừ các nhà xe đã bố trí người theo dõi cảnh báo từ xa, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì thông báo không cho xe vào tổ chức đón, trả khách; khi lực lượng chức năng rút đi thì họ hoạt động trở lại. Thậm chí kể cả khi có lực lượng chức năng tuần tra thì họ cho xe vào trong nhà để lên, xuống khách, việc này lực lượng chức năng không thể kiểm tra theo thẩm quyền. Thanh tra chỉ có thể chốt chặn trong một khoảng thời gian nhất định ở một số tuyến đường nóng, không đủ lực lượng để chốt chặn tất cả. Vì vậy, khi phát hiện có lực lượng chốt chặn, tài xế liền lái xe đi hướng khác.
TTGT sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng biến tướng xe hợp đồng?
Trong thời gian tới, căn cứ các quy định mới như Nghị định 10/2020 và Thông tư số 12, cùng với Nghị định số 100/2019, TTGT tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập và phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, công an các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
TTGT sẽ thường xuyên xây dựng các kế hoạch chuyên đề hoặc mở các đợt cao điểm tập trung chuyên đề, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt tập trung khu vực trung tâm nội thành. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm có hoạt động đón trả khách không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, cũng như không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. Nếu có các thông tin phản ánh về hoạt động vận tải hành khách gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, TTGT chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và bàn giao cho chính quyền địa phương theo dõi, giám sát theo trách nhiệm mà UBND TPHCM đã giao.
Dư luận cho rằng, sở dĩ xe hoạt động công khai như vậy là có sự bao che, thậm chí tiêu cực của các lực lượng chức năng, ông đánh giá như thế nào về công tác xử lý xe khách biến tướng?
Về tiêu cực, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đề nghị Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn (phụ trách quận 5) tổng hợp báo cáo. Về xử lý tình trạng xe biến tướng, từ năm 2016 đến nay, nhằm lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách, thành phố đã có nhiều văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm chính trên địa bàn mình quản lý.
Cụ thể, mới nhất là Thông báo số 158/TB-VP ngày 29-3-2019 và Thông báo số 463/TB-VP ngày 26-7-2019 về nội dung kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban An toàn giao thông TPHCM, tại Hội nghị tổng kết Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm an toàn giao thông 2019, có nội dung: “Giao Chủ tịch UBND các quận huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra thường xuyên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách; tổ chức giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với các điểm chưa có đầy đủ pháp lý hoạt động, các điểm tạm ngưng hoạt động (do chưa đủ pháp lý), không để tái diễn tình trạng “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của UBND TP”. Như vậy, lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm và quyết liệt trong việc lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách khi chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể tại rất nhiều văn bản nêu trên.
Xe khách núp bóng dưới dạng xe hợp đồng hoạt động công khai ngày càng nhiều, cần có giải pháp gì để xử lý hiệu quả?
Hiện nay, nhất là khu vực trung tâm TPHCM, tồn tại nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo các loại hình, như tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, lữ hành... Qua công tác phối hợp kiểm tra liên ngành thì hầu hết các đơn vị này đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải và hoạt động theo loại hình mà đơn vị đã đăng ký, cấp phép. Từ đó có thể thấy vẫn tồn tại hoạt động đón, trả khách được phép theo quy định của pháp luật như trung chuyển hành khách theo loại hình vận tải tuyến cố định và đón, trả khách theo loại hình vận tải hợp đồng, du lịch... Tuy vậy, để lập lại trật tự, an toàn giao thông cũng như đưa hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật, theo TTGT phải có những biện pháp đồng bộ, trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các sở, ban ngành, nhất là thắt chặt điều kiện cấp phép kinh doanh, trong đó trách nhiệm chính thuộc về UBND các quận huyện theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM.
Theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định, TTGT sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập và phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của quận/huyện để tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm có hoạt động đón trả khách không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, cũng như không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định.
Từ đầu năm 2020 đến nay, TTGT TPHCM phát hiện và lập biên bản 1.556 vụ vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách với số tiền xử phạt gần 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2019, xử lý gần 2.000 vụ vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách với số tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng. |