Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc xử lý, giải pháp chấn chỉnh tình trạng biến tướng của xe hợp đồng, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (QLVT) Sở GTVT TPHCM, thừa nhận có tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động tuyến cố định.
Để xử lý tình trạng này, Sở GTVT TPHCM yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp các đơn vị chức năng thuộc UBND các quận, huyện rà soát, tránh tình trạng các loại ô tô chở khách trên 16 chỗ lợi dụng dừng đón, trả khách thường xuyên trên các tuyến đường khu vực nội thành, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Phòng QLGT làm việc cụ thể với các bến xe và các doanh nghiệp (DN) vận tải để xem xét, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định vào bến xe hoạt động theo đúng quy định. Bổ sung thêm quy định “Các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được đón trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của hãng mình”; hoặc bổ sung quy định xử phạt hành vi “đưa xe ô tô vào trong khuôn viên bãi đỗ xe để đón trả khách”.
* PHÓNG VIÊN: Xe hợp đồng hoạt động trá hình ai cũng biết, nhưng làm sao để xử lý dứt điểm vấn nạn này?
* Ông Đỗ Ngọc Hải: Việc xử lý tình trạng xe hợp đồng hoạt động bát nháo gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trách nhiệm chính thuộc về địa phương. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã giao việc xử lý “xe dù, bến cóc” cụ thể cho Bí thư, Chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách. Giám sát, hậu kiểm và có hình thức xử lý chế tài đối với cá nhân, tổ chức không khắc phục sai phạm.
Thời gian tới, Sở phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định đối với các bãi xe khách trung chuyển không phép, xe khách biến tướng, trá hình, taxi hoạt động không phép, hoạt động đón, trả khách gây cản trở và mất an toàn giao thông. Đối với những trường hợp đã nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm thì báo cáo, đề xuất chế tài phù hợp, trình UBND TPHCM.
* Giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
* Về giải pháp, một là tăng cường lực lượng kiểm tra xử lý thực tế tại hiện trường, gồm Thanh tra giao thông (TTGT), CSGT, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, TTGT chỉ xử lý được các hành vi rõ ràng như dừng đậu sai quy định chứ không được dừng xe kiểm tra như CSGT. Trong khi đó, các nhà xe vào đón khách rất nhanh chỉ 1-2 phút. Hai là tăng cường phạt nguội, hiện TPHCM đã đang triển khai trên 14 tuyến đường, việc này thành phố đã giao cho CSGT.
Sở phối hợp các đơn vị chức năng, nghiên cứu tổ chức lắp đặt hệ thống biển báo phân luồng, hạn chế tốc độ hoặc cấm dừng đậu trên một số tuyến đường với xe trên 16 chỗ. Triển khai thực hiện Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (hiện nay chưa triển khai được).
Các địa phương rà soát lại các điểm trung chuyển trá hình, trường hợp nào được cấp phép, cụ thể như cấp phép cho đậu xe, gửi xe, nhưng đón trả khách là sai, phải xử lý. Hiện quận 5 đang rà soát chấn chỉnh việc này. Các quận huyện khác đang yêu cầu báo cáo. Đối với xe dừng đậu ngoài đường đã có công cụ xử lý, tiến tới xử lý theo giám sát hành trình từ Cục Đường bộ Việt Nam. Song song đó, tăng cường hệ thống camera cũng như hệ thống giám sát hành trình. Đối với các địa điểm, văn phòng trong các bãi xe lên xuống khách, địa phương phải kiểm tra, đề xuất hướng xử lý nếu ảnh hưởng an ninh trật tự, quy hoạch, nếu vướng phải báo cáo, đề xuất UBND TPHCM có hướng giải quyết.
* Để xử lý rốt ráo xe hợp đồng trá hình, Sở GTVT có đề xuất kiến nghị gì?
* Đầu tháng 6-2020, Sở GTVT có Công văn số 6890 gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; cần khắc phục một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình xử lý và tiếp nhận dữ liệu trên hệ thống và đề xuất áp dụng công nghệ thông tin phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý vận tải (đối với trường hợp, trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp...).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong 3 ngày qua kể từ khi Báo SGGP phản ánh về tình trạng biến tướng của xe hợp đồng thì tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Tình trạng xe hợp đồng trá hình vẫn ngang nhiên dừng đón, trả khách tại những điểm quen thuộc mà không có bất kỳ lực lượng chức năng nào kiểm tra xử lý.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, hiện TPHCM có 107 điểm hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở (giảm 1 điểm so với năm 2019) và có 5 điểm (giảm 1 điểm so với năm 2019) hoạt động đón, trả khách tại khu vực cây xăng, tuyến đường, bãi xe.... Các điểm có tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở trên địa bàn quận 1 (tăng 4 điểm), quận 6 (tăng 1 điểm), quận 10 (tăng 1 điểm); các điểm có tổ chức hoạt động đón, trả khách tại khu vực cây xăng, tuyến đường, bãi xe,... trên địa bàn quận 10 (tăng 1 điểm), huyện Hóc Môn (tăng 2 điểm). |