Phát biểu tại hội thảo, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đồng ý về việc giữ nguyên tổ chức Thanh tra huyện như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cần có giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và bố trí số lượng biên chế hợp lý để đảm bảo cho Thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là với các đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít.
Bà Ung Thị Xuân Hương nêu dự thảo quy định về nguyên tăc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra nhưng quy định về thời hạn để các cơ quan có liên quan xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Vì vậy, bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị bổ sung thời hạn xử lý chồng chéo, trùng lắp làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất, kịp thời trong việc triển khai, đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra trong thực tiễn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Khải, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM cho rằng, Luật Thanh tra hiện hành, tại các Tổng Cục, Cục trực thuộc không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng Cục, Cục thuộc Bộ thực hiện đúng chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trên thực tế, tại các đơn vị này đã tổ chức Phòng Thanh tra – Pháp chế hoặc Thanh tra kiểm tra để tham mưu công tác thanh tra.
Ông Nguyễn Quang Khải nhìn nhận qua thực tiễn hoạt động nhận thấy có sự chồng chéo giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Cục, Tổng Cục trong thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực Tổng Cục, Cục phụ trách.
Do đó, ông Nguyễn Quang Khải đề xuất cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ với Thanh tra Tổng Cục, Cục hoặc quy định Thanh tra Bộ không thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với lĩnh vực do Tổng Cục, Cục phụ trách có thành lập thanh tra chuyên ngành.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về các nội dung trong Dự án Luật Thanh tra về quy định tiếp công dân; quy định về thanh tra cấp sở; việc ban hành kế hoạch thanh tra; giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; gia hạn thời gian thanh tra; giám sát lại; chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra; quy định thời hạn có ý kiến của các cơ quan có liên quan….
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận các ý kiến góp ý của các đơn vị, đại biểu về Dự thảo Luật Thanh tra.
Về công tác tiếp công dân, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng hiện nay để nâng cao công tác xử lý đơn, nếu công tác này được giao lại cho Thanh tra làm sẽ thuận lợi, đỡ mất thời gian, hiệu quả xử lý cao hơn. Cán bộ UBND các quận huyện đôi khi cũng không tham mưu, xử lý đơn đúng theo quy định.
Về quy định thanh tra cấp sở, bà Tuyết cho rằng, điều khoản mà giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cũng là điều khoản linh hoạt, phù hợp. Tùy theo biên chế của các tỉnh thành, các yêu cầu nhiệm vụ của một số tỉnh thành thì có quyết định này.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết dẫn chứng tại TPHCM không cần thanh tra Sở Quy hoạch kiến trúc vì nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thì Thanh tra Sở xây dựng, thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã làm hết.
Về việc ban hành kế hoạch thanh tra, ai ban hành, thời gian, xử lý chồng chéo, bà Văn Thị Bạch Tuyết nhìn nhận việc xử lý triệt để ở TPHCM rất khó. TPHCM có nhiều quận - huyện, các sở - ngành rất lớn, tính chất phức tạp vì thế chỉ xử lý được tương đối…