![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ohpohuo/2025_02_06/hong-thanh-tiung-7732-9126.jpg.webp)
Tại phiên họp chiều 6-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Trong đó, về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, các nội dung về thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội đang bám sát với quy định tại điều 70 của Hiến pháp. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hiện đang được quy định khá cụ thể trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực nên cơ bản không có sự giao thoa, chồng lấn.
“Hiện chỉ còn vấn đề chưa thực sự rành mạch là phân định giữa phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Để khắc phục bất cập này, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật.
Theo đó, luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Luật không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao. Cách thức quy định này cũng thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.