Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng, vốn tín dụng chính sách trong 15 năm qua (2002 - 2017) đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo. Có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Chương trình cũng đã giúp trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập. Mạng lưới hoạt động của NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh, 631 phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã...
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay tối đa lên 2 triệu đồng/tháng cho mỗi học sinh, sinh viên để bảo đảm hỗ trợ khoảng 60% chi phí học tập. Một số ý kiến kiến nghị tăng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 6 triệu đồng lên 12 triệu đồng/công trình; kéo dài thời hạn trả nợ đối với những trường hợp hộ nghèo, hộ khó khăn thêm khoảng 5 - 10 năm…
Tại hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương 16 tỉnh, thành phố có vốn ủy thác trên 100 tỷ đồng, như Hà Nội (dẫn đầu với gần 2.000 tỷ đồng), TPHCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Thủ tướng cũng nêu tên một số tỉnh, thành phố khá giả nhưng có vốn ủy thác chưa tương xứng như Hải Phòng (95 tỷ đồng), Bắc Ninh (65 tỷ đồng), Hải Dương (42 tỷ đồng), Nam Định (15 tỷ đồng).
Hiện nay cả nước còn khoảng 1,9 triệu hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai…, do vậy, Thủ tướng cho rằng NHCSXH cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.