Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có số người tử vong cao. Thế giới ghi nhận xấp xỉ 60.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, giai đoạn trước năm 2000, mỗi năm có 300-400 ca tử vong do dại, sau đó tình trạng này được cải thiện.
Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu |
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62 ca tử vong do dại, tăng 14 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây vốn không phải là khu vực trọng điểm về dịch. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong là do người bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm phòng; còn gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên chó, mèo còn thấp. Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm đề nghị các đại biểu đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu của chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại là không còn người Việt Nam tử vong do dại vào năm 2030.
Đại biểu tham gia hội nghị phát biểu |
Theo Cục Thú y, bất cập trong phòng chống bệnh dại là chó mắc bệnh chủ yếu không xác định được chủ, chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến, dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người; virus dại còn lưu hành trên động vật. Để phòng chống bệnh dại, trước mắt, các địa phương cần tổ chức tiêm phòng vaccine dại định kỳ hằng năm cho chó mèo; quản lý đàn chó mèo nuôi; điều trị dự phòng bệnh dại trên người. Ngoài ra, xử lý các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vaccine bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng cũng như không đeo rọ mõm cho chó khi đến nơi công cộng.