Tại buổi làm việc, đại biểu các tỉnh, thành phố thống nhất cao cần thiết làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh vị trí ga hàng và bổ sung ga; xem xét cụ thể các vị trí hướng tuyến bảo đảm phù hợp với hiện trạng và quy hoạch của địa phương trong bước tiếp theo của dự án; dự trù quỹ đất quy hoạch tiềm năng...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, về vị trí ga tiềm năng, trong giai đoạn khai thác, khi hình thành các đô thị, trung tâm kinh tế thì mới có đủ điều kiện để tiến hành đánh giá và xem xét bổ sung ga. Việc đầu tư các ga bổ sung này sẽ ưu tiên triển khai theo hướng huy động nguồn lực xã hội hóa.
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam mang lại nhiều giá trị lớn cho phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, tạo ra hàng triệu việc làm, giúp tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của nền kinh tế quốc gia và các tỉnh, thành có đường sắt đi qua.
“Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này, trong đó nhất trí về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án”, ông Sơn cho biết.
Dự kiến, dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý IV-2024; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025-2026; khởi công trong năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng trong năm 2035.