Theo đó, về ứng phó BĐKH, đến năm 2025, ngành TN-MT đặt mục tiêu giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường theo lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Bộ TN-MT đưa ra các giải pháp thực hiện.
Cụ thể, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động ứng phó với BĐKH; tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó BĐKH.
Không dừng lại ở đó, đối với các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, Bộ TN-MT yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần; áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải; khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; chuẩn bị triển khai các công cụ định giá carbon, xây dựng cơ sở pháp lý và hình thành thị trường carbon, thuế, phí carbon; xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam đến năm 2030; cập nhật định kỳ 5 năm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về BĐKH; xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.