Theo đó, Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ cũng đưa ra các định hướng chiến lược để phát triển, như: tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.
Đồng thời, nâng cao hiệu suất và hiệu quả trong sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp. Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng. Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh. Tăng cường công tác quản lý chất thải và chất lượng không khí thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất.