Tại đây, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, ngành giáo dục TP sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hai đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP” và “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020-2030”.
Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các khái niệm “chuyển đổi số”, “quốc gia không biên giới”, “không gian ảo” ngày càng phổ biến, học sinh không chỉ được đánh giá về các chỉ số IQ, EQ mà còn được đánh giá về trí tuệ số. Trong đó, kiến thức, kỹ năng và các giá trị số cần được đánh giá theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, trong bộ môn tin học, các em không chỉ đáp ứng yêu cầu thao tác nhanh mà phải biết ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, tránh lạm dụng và bị lạm dụng về công nghệ.
“Học sinh ngày nay đa phần đều biết sử dụng facebook, các ứng dụng zalo, viber… Tuy nhiên, không nên ngộ nhận như thế là học sinh thành thạo các kỹ năng tin học. Khi học sinh được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế sẽ có nền tảng tốt, đủ khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên trong việc tiên phong dạy học và định hướng học tập cho học sinh.
Theo Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020-2030” do UBND TP phê duyệt hồi đầu tháng 3-2021, giai đoạn từ năm 2021-2022, TP phấn đấu có 90% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 40% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế.
Đối với các trường phổ thông khác, TP phấn đấu đáp ứng 40% nhu cầu học tin học của học sinh và 20% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế.
Về đội ngũ giáo viên, cuối năm 2022, TPHCM phấn đấu có 80% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế theo cấp học.
Ở góc độ trường học, cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) nêu ý kiến, hiện nay chi phí tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế dao động từ 700.000-800.000 đồng/học sinh/lần thi, chưa kể chi phí học tập và ôn luyện.
Bình quân, mỗi học sinh phải tốn khoảng 2 triệu đồng tiền học và thi lấy chứng chỉ quốc tế. Đây là số tiền không nhỏ đối với học sinh ở khu vực vùng ven, ngoại thành.
Từ thực tế đó, cô Nguyễn Thị Ánh Mai kiến nghị TP quan tâm, có chế độ hỗ trợ, ưu đãi đối với học sinh ở vùng ven, ngoại thành, khu vực tập trung đông dân nhập cư để các em có đủ điều kiện tham gia, tiếp cận chuẩn trình độ quốc tế.
Một vấn đề khác, theo thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), hiện nay chương trình giáo dục hiện hành ở bậc THCS chưa quy định tin học là môn bắt buộc.
Tuy nhiên, tới đây khi triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (năm học 2021-2022 bắt đầu triển khai đối với lớp 6), các trường sẽ có cơ sở trong việc tích hợp, tổ chức chương trình học theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong đó, cơ sở vật chất để triển khai chương trình học là một trong những điều kiện cơ bản và cần thiết. Hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị, máy móc triển khai dạy bộ môn tin học thực hiện theo phương thức mua sắm tập trung, quy trình thực hiện kéo dài nên một số đơn vị phải vận dụng linh hoạt nguồn thu từ xã hội hóa.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin, tới đây TP sẽ từng bước hoàn thiện, tiến tới triển khai và nhân rộng phần mềm tuyển sinh dùng chung cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, phần mềm tuyển sinh sử dụng cơ sở dữ liệu chung toàn ngành, tránh tình trạng mỗi nơi triển khai một kiểu như hiện nay.