Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5%-7% trong quý 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP quý 3 đạt mức 6,5%-7%, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 và giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025.

1-2482.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 6-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP quý 3 đạt mức 6,5%-7%, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 và giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025.

Thủ tướng đánh giá, tình hình 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch Covid-19 và tiếp tục xu hướng tích cực: tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. 6 tháng qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực và cả năm 2024 có thể cao hơn năm 2023.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh: Bắc Giang tăng 14,14%; Khánh Hòa tăng 12,73%; Thanh Hóa tăng 11,49%; Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Trà Vinh tăng 10,27%; Hải Dương tăng 10%.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung nên cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; trong 6 tháng có 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,4%. Nợ xấu có xu hướng tăng. Đến hết tháng 6, còn 29.900 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (29,39% so với cùng kỳ là 30,49%). Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết, như việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Nguyên nhân chủ quan là kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực, cơ quan, địa phương còn vướng mắc; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; việc nắm tình hình, tham mưu, phản ứng chính sách một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả; còn hiện tượng thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà…

Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý 3, quý 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.

Mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5%-7% trong quý 3, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý 4; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024; giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2024, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục điều tiết tỷ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp, trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kiên quyết điều chuyển 29.900 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Thủ tướng chỉ đạo sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, các thành viên Chính phủ là thành viên.

Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; triển khai tốt việc tăng lương; khẩn trương thành lập quỹ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong quý 2, có 95,1% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Tháng 6 có 15.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, có 43,9% số doanh nghiệp đánh giá dự kiến quý 3 ổn định và tốt hơn so với quý 2; có 82,9% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng quý 3 ổn định và tăng hơn so với quý 2; riêng về đơn hàng xuất khẩu có 83,7% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng quý 3 ổn định và tăng hơn so với quý 2.

Tin cùng chuyên mục