Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Chỉ thị nêu rõ, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Do đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn.
Thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Phấn đấu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng dự toán chi NSNN năm 2022 quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên khoảng 28-29% tổng chi NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.